Thứ Ba, 12/11/2019, 15:43 [GMT+7]

Ai đứng sau công trình xây dựng trái phép trong khuôn viên di tích Quốc gia?

(Congannghean.vn)-Nhiều hạng mục công trình với tên gọi chùa Linh Sâm “mọc” trong khuôn viên di tích lịch sử Quốc gia đền Hữu nhưng chính quyền xã Thanh Yên và huyện Thanh Chương lại không hề hay biết.
Một công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện
Một công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện

Theo người dân địa phương, việc xây dựng các công trình trái phép chỉ mới được tiến hành trong khoảng thời gian từ 2 tháng trở lại đây. Hoạt động xây dựng được tiến hành rất gấp rút, khẩn trương, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm. 

Có ít nhất 6 công trình, hạng mục trái phép đã mọc lên
Có ít nhất 6 công trình, hạng mục trái phép đã mọc lên

Đến thời điểm hiện nay, theo quan sát của phóng viên, đã có 6 tòa nhà và cổng tam quan với kiến trúc khá đồ sộ cơ bản hoàn thành phần thô. Khu vực xây dựng này chiếm diện tích khoảng 6.000m2.

Ông Bùi Hồng Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết, dự án chùa Linh Sâm được một tập đoàn lớn tài trợ việc xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. 
Một công trình đền Hữu bị chiếm dụng, cải tạo làm lán trại của công nhân
Một công trình đền Hữu bị chiếm dụng, cải tạo làm lán trại của công nhân

Cũng theo lãnh đạo xã Thanh Yên, chùa Linh Sâm chưa được cấp phép xây dựng và phần lớn diện tích nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử quốc gia đền Hữu. Do gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân, mới đây chính quyền xã Thanh Yên đã phải ra thông báo đình chỉ thi công dự án này. 

Công trường ngổn ngang cạnh di tích nhưng chính quyền “ngó lơ”
Công trường ngổn ngang cạnh di tích nhưng chính quyền “ngó lơ”

Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Nhu, đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh cho rằng, Đền Hữu là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng. Sinh thời, ông có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng đất Hoan Châu. Sau khi ông mất, người dân nhiều nơi đã lập đền thờ. Năm 2009, đền Hữu được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. 

Người dân xã Thanh Yên hết sức bức xúc khi di tích bị xâm hại.
Người dân xã Thanh Yên hết sức bức xúc khi di tích bị xâm hại.

Hiện nay, đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đền cũng là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân trong vùng. 

Đình chính đền Hữu, nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trên địa bàn
Đình chính đền Hữu, nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trên địa bàn

 Di tích lịch sử quốc gia nhìn từ công trình trái phép
Di tích lịch sử quốc gia nhìn từ công trình trái phép

Chính vì vậy, việc chính quyền địa phương làm ngơ để doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng công trình lấn chiếm khuôn viên của di tích đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và sự linh thiêng của đền, vi phạm các quy định của Luật Di sản. 

Công nhân di chuyển vật dụng cá nhân ra khỏi công trình đền Hữu
Công nhân di chuyển vật dụng cá nhân ra khỏi công trình đền Hữu

Thậm chí, không những xâm phạm đất di tích, chủ đầu tư còn dùng cả một ngôi nhà cổ thuộc đền Hữu để làm chỗ sinh hoạt cho công nhân xây dựng. Sdau khi sự việc được phát giác, nhóm công nhân này đã lặng lẽ di chuyển hết đồ đạc về phía sau một công trình đang xây dở dang.

Di tích đền Hữu hiện nay
Di tích đền Hữu hiện nay

Liên quan đến công trình tâm linh không phép được xây dựng trên địa bàn, thực hiện công văn chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên ngày 28/10/2019 đã ký quyết định đình chỉ thi công công trình chùa Linh Sâm.

Thông báo tạm dừng hoạt động thi công công trình của UBND xã Thanh Yên.
Thông báo tạm dừng hoạt động thi công công trình của UBND xã Thanh Yên.

Theo nội dung công văn này, qua kiểm tra tại khu di tích đền Hữu, xã Thanh Yên phát hiện khu vực phía Tây của đền đang xây dựng phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan của chùa chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích đền Hữu. 

Gỗ quý được tập kết để phục vụ cho việc xây dựng chùa
Gỗ quý được tập kết để phục vụ cho việc xây dựng chùa

Phần xây dựng này chưa có thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Ban quản lý di tích đền Hữu và UBND xã Thanh Yên đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu dừng ngay việc thi công các hạng mục công trình.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, ai là chủ đầu tư thực sự của công trình này,, và được gấp rút xây dựng trong thời gian ngắn với mục đích gì? Chính quyền địa phương cho biết, dự án do một tập đoàn lớn tại Hà Nội tài trợ toàn bộ vốn, với số tiền khoảng  40 tỷ đồng. Nhưng tập đoàn đó là ai, thì vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
.

Thiên Thảo

.