Thứ Tư, 28/08/2019, 14:33 [GMT+7]

Làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ tại huyện Yên Thành (Bài 2)

 
(Congannghean.vn)-Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến giữa năm 2019, các đối tượng là Phạm Thị Thủy (SN 1982), nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chi nhánh huyện Yên Thành đã cùng với đối tượng Bùi Thị Oanh (SN 1988) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành “lập mưu” vay tiền đảo nợ ngân hàng (đảo khế) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản số tiền gần 5 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Bùi Thị Oanh khai nhận đã hưởng lợi 1 tỉ đồng
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Bùi Thị Oanh khai nhận đã hưởng lợi 1 tỉ đồng
Bài 2: Khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 
 
Nếu như thời gian đầu, Phạm Thị Thủy và Bùi Thị Oanh thực hiện đúng cam kết trả lãi và gốc thì những lần sau các đối tượng thất hứa, đưa ra nhiều lý do biện minh cho sự chậm trễ. Cũng chính vì điều đó, các bị hại đã tìm đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Qua xác minh đơn tố giác tội phạm, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Yên Thành nhận thấy, cần thiết khởi tố vụ án để đấu tranh, làm rõ.
 
Theo đó, vào ngày 26/6/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành nhận được đơn tố giác tội phạm của anh Phan Trọng Thanh (SN 1975) trú tại khối 3 và anh Nguyễn Công Hải (SN 1960) trú tại khối 1, cùng thị trấn Yên Thành với nội dung: Trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2018 - 22/3/2019, thông qua hoạt động cho vay tiền đảo khế ngân hàng, 2 đối tượng Phạm Thị Thủy và Bùi Thị Oanh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Thanh số tiền 1,8 tỉ đồng và chiếm đoạt của anh Hải số tiền 1,7 tỉ đồng. 
 
Trong quá trình cơ quan điều tra đang tổ chức xác minh nội dung đơn tố giác của các bị hại nói trên thì ngày 12/7/2019, Công an huyện tiếp tục nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Phúc L. (SN 1978) trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tố giác 2 đối tượng Phạm Thị Thủy và Bùi Thị Oanh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh L. số tiền 1,2 tỉ đồng thông qua hoạt động cho vay đảo khế ngân hàng.
Biên lai của anh Phan Trọng Thanh chuyển tiền vào tài khoản  của Phạm Thị Thủy
Biên lai của anh Phan Trọng Thanh chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Thị Thủy
 
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Trần Nguyên Lý, Phó Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Yên Thành cho biết: Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng khá tinh vi, ít để lại dấu vết sau mỗi lần thực hiện giao dịch, gây khó khăn cho công tác điều tra. Cụ thể, các giao dịch, thỏa thuận chủ yếu bằng lời nói, ít người biết, không có nhân chứng; phía bị hại không cung cấp được thông tin cụ thể, việc bị hại nhận tiền từ các đối tượng không kiểm đếm, không ký nhận... Riêng Bùi Thị Oanh là đối tượng bị tố giác cũng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh thụ lý từ năm 2018, nhưng chưa xử lý được. 
 
Tại cơ quan điều tra, Oanh một mực khai báo mình không nhận bất cứ khoản tiền nào mà tất cả do Thủy đang giữ tiền. Trong khi đó, Thủy khai nhận đã đưa tiền cho bị hại nhưng bị hại không kiểm đếm. Tuy nhiên, với tinh thần tấn công, trấn áp tội phạm quyết liệt, sau một thời gian kiên trì đấu tranh, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 23/7/2019, Công an huyện Yên Thành chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh bắt giữ 2 đối tượng Bùi Thị Oanh và Phạm Thị Thủy, làm rõ 21 vụ, với tổng số tiền chiếm đoạt là 4,7 tỉ đồng. Bước đầu, Oanh khai nhận đã được hưởng 1 tỉ đồng. Số tiền này, Oanh đã sử dụng vào việc trả nợ cho người khác, chi tiêu sinh hoạt cá nhân; số tiền còn lại Phạm Thị Thủy chiếm đoạt.
 
Riêng Phạm Thị Thủy không thừa nhận hành vi của mình và cho rằng, việc anh Phan Trọng Thanh và anh Nguyễn Công Hải chuyển tiền vào tài khoản của mình là do Oanh nhờ tài khoản để người khác chuyển tiền, Thủy không biết nội dung, mục đích chuyển tiền. Ngoài ra, Thủy còn cung cấp cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành 2 tờ giấy viết tay đề ngày 12/4/2019 và 3/5/2019, trong đó thể hiện việc Bùi Thị Oanh đã nhận lại toàn bộ số tiền anh Phan Trọng Thanh và anh Nguyễn Công Hải chuyển vào tài khoản của Thủy, trên mỗi tờ giấy đều có chữ ký xác nhận đề tên Bùi Thị Oanh. Tuy nhiên, Oanh không thừa nhận chữ ký của mình và cho rằng, Thủy đã có lần cho Oanh ký khống vào 4 tờ giấy trắng có đặc điểm tương tự. Do vậy, Công an huyện Yên Thành đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ vai trò của Phạm Thị Thủy để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trung tá Bùi Văn Ngọc, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian xảy ra vụ việc tương đối dài; các bị hại cung cấp nhiều thông tin không chính xác; đối tượng đánh vào lòng tham lãi suất cao khi cho vay đáo hạn ngân hàng của các bị hại nên khi xác minh thông tin cũng gặp khó khăn. Mặt khác, 2 đối tượng trước khi bị bắt đã có nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan Công an.
 
Tìm hiểu của phóng viên được biết, Phạm Thị Thủy có thời gian công tác tại Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thành 10 năm, chồng Thủy là một quân nhân, vợ chồng Thủy có một người con trai năm nay đã 10 tuổi. Vợ làm ngân hàng, chồng là quân nhân, có con đã lớn nhưng vì lòng tham, Thủy bất chấp mọi thứ, để rồi mất đi tất cả những gì Thủy đã có mà biết bao người ước ao! Riêng đối với Bùi Thị Oanh, gia cảnh không có gì đáng chú ý. Vợ chồng Oanh đã có 3 đứa con, nghề nghiệp làm ruộng ở quê nhà. Oanh đã từng bị tố giác về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng chưa bị xử lý. Khi được Thủy tiếp sức, Oanh trở nên ma mãnh, tinh vi với hoạt động cho vay đảo nợ ngân hàng. Quá trình để các bị hại “sập bẫy” đều có sự chỉ đạo của Thủy, khiến nhiều bị hại tưởng chừng đã chắc chắn nhưng hóa ra đều gặp phải sự lừa gạt của Oanh và Thủy.
 
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Công Hải và anh Phan Trọng Thanh là các bị hại trong vụ án đều thừa nhận, do quen biết và tin tưởng Phạm Thị Thủy là cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thành nên mới yên tâm chuyển tiền cho vay đảo khế. Thêm vào đó, thời gian đầu việc cho vay và trả lãi của Thủy và Oanh rất sòng phẳng nên các bị hại càng tin tưởng hơn.
 
Qua vụ việc trên cho thấy, để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đất dung thân, chủ yếu là do lòng tham của các bị hại về lãi suất khi cho vay tiền, với mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất gửi ngân hàng, khiến nhiều người “nhắm mắt đưa chân”. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Phúc L. trong vụ án này. Khi Oanh nhờ anh L. cho chị Hương vay tiền đảo nợ, anh L. đã kiểm tra hồ sơ nhưng khi yêu cầu chồng chị Hương lên ký giấy vay tiền thì chị Hương nói chồng đi nước ngoài đã ủy quyền cho chị Hương và thế là anh L. chấp nhận. Tiếp đó, khi Oanh nhờ anh L. cho bà Hòa vay 800 triệu đồng đảo nợ, anh L. gọi điện cho chồng bà Hòa là ông Phúc, ông Phúc xác nhận có khế đảo nợ (trước đó Oanh đã dặn ông Phúc nếu anh L. gọi điện thì xác nhận là có khế đảo nợ). Hay như trường hợp của anh Phan Trọng Thanh, chuyển tiền cho Thủy, đưa tiền mặt cho nhiều người nhưng trong số đó có nhiều người anh Thanh không biết họ là ai, chỉ đưa tiền theo sự chỉ đạo của Oanh, trong khi anh Thanh chưa bao giờ gặp Oanh?! Từ đó cho thấy, chính lòng tham về lãi suất của các bị hại đã tạo cơ hội cho Oanh và Thủy dễ bề hoạt động.
 
Qua vụ việc trên là lời cảnh tỉnh đối với những người cho vay tiền thông qua giao dịch dân sự không rõ ràng, các đối tượng phạm tội có thể “đội lốt” dưới nhiều hình thức khác nhau mà Phạm Thị Thủy là một đối tượng điển hình.
 
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Phạm Thị Thủy và Bùi Thị Oanh để tiếp tục điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.
.

Đ. Thắng

.