(Congannghean.vn)-Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến giữa năm 2019, các đối tượng là Phạm Thị Thủy (SN 1982), nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chi nhánh huyện Yên Thành đã cùng với đối tượng Bùi Thị Oanh (SN 1988) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành “lập mưu” vay tiền đảo nợ ngân hàng (đảo khế) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản số tiền gần 5 tỉ đồng.
Bài 1: Khi nhân viên ngân hàng sa ngã
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Yên Thành - nơi đối tượng Phạm Thị Thủy có 10 năm làm việc |
Là nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Yên Thành, đã có thời gian công tác trên 10 năm, do vậy, Phạm Thị Thủy đã gần như thành thạo mọi ngõ ngách, lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng. Từ đây, Thủy cấu kết với đối tượng khác, bày mưu tính kế thực hiện ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động đảo nợ ngân hàng.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là dựa vào nhu cầu đảo nợ ngân hàng hay còn gọi là “đảo khế” (là hình thức giải ngân một hợp đồng mới để trả nợ cho hợp đồng cũ; thực chất tiền không ra khỏi kho của ngân hàng, chỉ là sử dụng tiền của món vay mới để trả nợ cho món vay cũ) của khách hàng. Từ đây, các đối tượng thông qua các mối quan hệ quen biết, chủ yếu là những người có tiền, đặt vấn đề cho vay tiền đảo khế, hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần so với gửi tiền ở ngân hàng. Chính vì mức lãi suất cao ngất ngưởng, thêm “mác” cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thành, Phạm Thị Thủy đã tạo được vỏ bọc đáng tin, khiến nhiều người bị mắc lừa với số tiền rất lớn. Để tạo niềm tin ban đầu, Thủy và Oanh thực hiện đúng hạn các giao dịch, trả lãi và gốc sòng phẳng. Khi đã tạo được niềm tin, các đối tượng bắt đầu dở trò nhằm dây dưa, kéo dài thời hạn trả nợ, lấy tiền chỗ này bù chỗ kia...
Theo tài liệu của cơ quan điều tra thu thập được, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến đầu năm 2018, Bùi Thị Oanh vay nợ nhiều người nhưng không có tiền trả, cuộc sống khó khăn, túng quẫn. Trước tình cảnh trên, khoảng tháng 1/2018, chị Nguyễn Thị Vui (chị chồng của Oanh) đã đứng ra vay số tiền 100 triệu đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thành bằng việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lưu Thị Nga (mẹ chồng Oanh). Tại thời điểm đó, Phạm Thị Thủy làm các thủ tục vay thế chấp cho Oanh và chị Vui; Oanh và Thủy quen biết nhau từ đó. Thủy biết rõ hoàn cảnh của Oanh đang nợ nần nên nhiều lần gọi điện hỏi thăm, lâu dần cả hai trở nên thân thiết. Đến giữa tháng 5/2018, Oanh và Thủy hẹn gặp nhau nói chuyện tại một quán cafe trên địa bàn xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (tiếp giáp xã Hợp Thành, huyện Yên Thành). Tại các cuộc gặp nói chuyện, Thủy đặt vấn đề với Oanh tìm người có nhu cầu cho vay đảo khế ngân hàng, Thủy sẽ đưa ra thông tin khách hàng có khoản vay đến hạn cần đảo khế (thực tế là không có khoản vay nào cả) nhằm chiếm đoạt tài sản của những người cho vay.
Sau khi nhận lời hợp tác với Thủy, Oanh đã gọi điện nhờ một người quen tên là B., nhân viên một ngân hàng đóng tại thị trấn Diễn Châu tìm người cho vay đảo khế. Anh B giới thiệu cho Oanh anh Nguyễn Phúc L. trú tại khối Yên Toàn, phường Hà Huy tập, TP Vinh, là người chuyên cho vay đảo khế, cầm đồ. Qua trao đổi, anh L. yêu cầu Oanh, muốn vay đảo khế thì thủ tục hồ sơ cần phải đầy đủ, gồm: CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có giấy vay nợ và có xác nhận của cả vợ lẫn chồng. Nhận thấy quy trình cho vay tiền của anh L. chặt chẽ nên Oanh đã nhờ Thủy trợ giúp. Thủy nói với Oanh nhờ bà Hòa và chị Hương (người quen của Oanh) đứng ra vay tiền giúp Oanh. Thủy hướng dẫn, chỉ cần bà Hòa và chị Hương thừa nhận có đảo khế là xong. Còn Oanh hứa, sau khi vay được tiền sẽ trả nợ cho chị Hương và bà Hòa, do vậy chị Hương và bà Hòa đồng ý làm theo lời Oanh.
Khoảng 20 giờ ngày 5/6/2018, Oanh gọi điện cho anh L., nhờ đảo khế cho chị Hương với số tiền 550 triệu đồng và đảo khế cho vợ chồng ông Phúc, bà Hòa số tiền 800 triệu đồng. Sáng 6/6/2018, anh L. cùng với chị Dung và anh B. ra thị trấn Yên Thành để gặp Oanh và chị Hương. Sau khi kiểm tra đầy đủ các thông tin, anh L. đồng ý cho chị Hương vay số tiền 550 triệu đồng đóng vào Ngân hàng Agribank cho Thủy để đảo nợ. Tuy nhiên, sau khi anh L., chị Dung và anh B. ra về, Oanh quay trở lại Ngân hàng Agribank gặp Thủy lấy lại số tiền 550 triệu đồng chị Hương vừa nộp. Sau đó, Oanh và Thủy phân chia số tiền trên; Oanh lấy 100 triệu đồng, Thủy lấy 50 triệu đồng tiền công, còn lại 400 triệu đồng Thủy tạm giữ.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Thủy một mực đổ lỗi cho Bùi Thị Oanh |
Tương tự, ngày 7/6/2018, anh L. và chị Dung tiếp tục ra thị trấn Yên Thành gặp Oanh và bà Hòa để làm thủ tục đảo khế cho bà Hòa. Cũng như lần trước, sau khi xác nhận đầy đủ thông tin cần thiết, anh L. đồng ý cho bà Hòa vay số tiền 800 triệu đồng để đảo nợ. Anh L. đưa tiền cho chị Dung cùng bà Hòa và Oanh vào phòng làm việc của Thủy tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Yên Thành để nộp. Tại đây, Thủy đã nhận tiền và viết biên lai đưa cho chị Dung ra về. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, Thủy gọi điện cho anh L. và nói: “Anh quay lại đi, em trả tiền cho anh, anh đưa lại biên lai cho em, em thấy ri không an toàn”. Anh L. quay lại thì Thủy hẹn gặp tại một quán cafe trên địa bàn thị trấn Yên Thành và đưa lại cho anh L. số tiền 800 triệu đồng, anh L. đưa lại biên lai thu tiền cho Thủy và ra về. Có thể do Thủy lo sợ anh L nên trả tiền sớm?!
Cũng với thủ đoạn vay tiền đảo khế, khoảng tháng 7/2018, Thủy gọi điện cho chị Thái Thị Tuyết giới thiệu Oanh đang cần vay tiền đảo khế, nhờ chị Tuyết tìm giúp người cho vay. Sau đó, thông qua chị Tuyết, Oanh và Thủy cấu kết để ông Hải tin tưởng cho vay 350 triệu đồng. Khi chị Tuyết và ông Hải đưa tiền xong ra về thì Oanh quay lại gặp Thủy phân chia số tiền 350 triệu đồng của ông Hải; Oanh lấy 80 triệu đồng, Thủy lấy 50 triệu đồng, còn 200 triệu đồng Thủy tạm thời giữ. Sau 3 ngày, Oanh vay mượn số tiền 150 triệu đồng để gộp vào cùng với số tiền 200 triệu đồng chỗ Thủy, trả lại cho ông Hải đủ 350 triệu đồng, nhằm tạo niềm tin cho ông Hải.
Do tin tưởng Thủy là cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Yên Thành, thêm một số lần giao dịch trước đó Thủy và Oanh trả gốc và lãi đúng hạn nên ông Hải đã nhiều lần chuyển tiền cho Thủy. Theo đó, ông Hải đã có 6 lần chuyển tiền vào số tài khoản của Thủy, tổng số tiền là gần 1,7 tỉ đồng. Tính cả số tiền mặt ông Hải đưa lần đầu tiên cho Thủy và Oanh thì các đối tượng này đã chiếm đoạt của ông Hải số tiền 2.025.000.000 đồng.
Vụ lừa đảo số tiền lớn nhất do Thủy và Oanh thực hiện diễn ra khoảng đầu tháng 1/2019. Oanh hứa sẽ trả cho anh Phan Trọng Thanh trú tại thị trấn Yên Thành 1 triệu đồng/100 triệu/1 ngày. Do quen biết Thủy từ trước nên anh Thanh gọi điện cho Thủy để xác nhận thông tin, Thủy khẳng định có các khế đến hạn cần đáo nợ. Tin tưởng lời Thủy nên anh Thanh đồng ý.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 16/1/2019 đến ngày 21/3/2019, Oanh đã điện thoại cho anh Thanh 17 lần, yêu cầu chuyển tiền cho Thủy, với tổng số tiền gần 6,1 tỉ đồng. Trong số này, anh Thanh nộp trực tiếp tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Yên Thành cho bà Nguyễn Thị Vui số tiền 75 triệu đồng. Đồng thời theo chỉ đạo của Oanh, anh Thanh đưa cho một người tên Hương số tiền 200 triệu đồng; đưa cho một người tên Tươi 250 triệu đồng; đưa cho Thủy 1,8 tỉ đồng nhưng đều không có giấy tờ. Ngoài ra, anh Thanh chuyển vào tài khoản của Thủy 13 lần với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.
Qua xác minh của cơ quan Công an tại các ngân hàng trên địa bàn Yên Thành, thời điểm trên chỉ có bà Nguyễn Thị Vui trú tại xóm 9, xã Hợp Thành vào ngày 16/2/2019 làm thủ tục đảo khế tại Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thành, các trường hợp còn lại như Tươi, Hương không hề làm thủ tục đảo khế tại bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào ở huyện Yên Thành.
Hiện tại, Phạm Thị Thủy và Bùi Thị Oanh còn chiếm giữ của ông Nguyễn Công Hải số tiền hơn 1 tỉ đồng; chiếm giữ của anh Phan Trọng Thanh số tiền 1,8 tỉ đồng và anh Nguyễn Phúc L. số tiền 450 triệu đồng.
(Còn nữa)
.