Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/tranh-chap-ban-quyen-ban-tinh-va-so-hoc-tri-tue-ucmas-can-som-minh-bach-732641/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/tranh-chap-ban-quyen-ban-tinh-va-so-hoc-tri-tue-ucmas-can-som-minh-bach-732641/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần sớm minh bạch - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 14/04/2017, 16:13 [GMT+7]
Tranh chấp bản quyền bàn tính và số học trí tuệ (UCmas)

Cần sớm minh bạch

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, có rất nhiều phụ huynh đưa con đến học tại các cơ sở dạy chương trình Bàn tính và số học trí tuệ (UCMAS) trên địa bàn TP Vinh không khỏi phân tâm, hoang mang bởi không biết chương trình nào là bản quyền, chương trình nào là “hàng nhái”. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã phải cho con nghỉ học giữa chừng khi tranh chấp này chưa có cơ quan nào đứng ra phân định, giải quyết.
 
Rắc rối quanh chuyện bản quyền
 
Chị Trần Thị T. (34 tuổi) trú tại phường Lê Lợi (TP Vinh) chia sẻ: Chị có con gái đang học tại Trường Tiểu học Lê Lợi. Năm 2015, chị đăng ký cho con theo học chương trình Bàn tính và số học trí tuệ (UCMAS) tại cơ sở đào tạo ở số 58, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh. Theo đánh giá của chị T., sau một thời gian theo học, con gái của chị đã tiếp thu rất nhanh, chương trình mang đến khả năng tính toán nhanh, tư duy tốt. Bằng chứng là cháu đã đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia chương trình UCMAS, được tổ chức vào tháng 8/2016 tại Hà Nội. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, chị T. nghe được thông tin về việc giữa đơn vị đang đào tạo cho con gái chị với một đơn vị khác xảy ra tranh chấp bản quyền thương hiệu, trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng phân định, chị T. đã quyết định cho con nghỉ học.
 
Băn khoăn của chị T. cũng là tâm trạng của hàng nghìn phụ huynh có con theo học chương trình này trên địa bàn TP Vinh. Bởi, tính đến thời điểm hiện nay, ngoài cơ sở tại số 58, đường Nguyễn Thị Minh Khai, có thêm nhiều cơ sở đào tạo cùng một chương trình này mọc lên, nhưng không do một đơn vị chủ quản. Cụ thể, tại số 58, đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện thuộc quyền quản lý của Công ty CP Giáo dục Quốc tế Maths Smart (Công ty Maths Smart), người đại diện pháp luật là bà Lê Thị Hường. Tại các địa chỉ số 42, đường Trần Hưng Đạo, phường Đội Cung và số 8, đường Hồ Sỹ Dương, phường Hưng Bình, TP Vinh, thuộc sở hữu của Công ty CP đầu tư giáo dục UCMAS Nghệ An (Công ty UCMAS Nghệ An), do ông Nguyễn Văn Chinh làm Tổng Giám đốc.
Điểm đào tạo tại số 42, đường Trần Hưng Đạo của Công ty UCMAS Nghệ An
Điểm đào tạo tại số 42, đường Trần Hưng Đạo của Công ty UCMAS Nghệ An
Cần nói thêm rằng, từ năm 2012, đơn vị giữ độc quyền UCMAS tại Việt Nam là Công ty CP Phát triển giáo dục IECC Hà Nội (Công ty IECC) đã ký hợp đồng nhượng thương hiệu chương trình này tại Nghệ An cho Công ty TNHH Quốc tế Phong Việt, sau đó Công ty Phong Việt đã nhượng lại hợp đồng này cho Công ty UCMAS Nghệ An. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, IECC liên tục có công văn khẳng định Công ty UCMAS vi phạm bản quyền nên đã chấm dứt hợp đồng, sau đó ký bản quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An với Công ty Maths Smart. Bắt đầu từ đó, giữa các bên phát sinh tranh chấp liên quan đến bản quyền của chương trình. Trong khi vụ việc chưa được xử lý rõ ràng thì người thiệt thòi không ai khác chính là học sinh, bởi các em không phân định được đâu là chương trình UCMAS “made in” quốc tế, đâu là hàng giả, “hàng nhái”.
 
Cần sớm minh bạch
 
Theo trình báo của IECC, tháng 11/2015, Công ty UCMAS Nghệ An đã tự ý mở thêm địa điểm tại số 42, đường Trần Hưng Đạo, TP Vinh mà không được sự đồng ý của IECC. Sau khi IECC phát hiện, đã yêu cầu UCMAS Nghệ An phải mua độc quyền TP Vinh rồi mới được phép tiếp tục hoạt động và được UCMAS Nghệ An chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận xong, phía UCMAS Nghệ An nhận hợp đồng nhưng lại không trả số tiền phí mua bản quyền 80 triệu đồng. Tiếp đó, UCMAS Nghệ An lại tiếp tục vi phạm các điều khoản hợp đồng như: Sử dụng trái phép tên và hình ảnh thương hiệu UCMAS tại các cơ sở Mầm non tại số 18B Nghi Liên và 120 Nguyễn Khánh Toàn (TP Vinh); tự ý cho mượn thương hiệu UCMAS đối với bà Đặng Mai Huyền tại Diễn Châu với phí mượn 40 triệu đồng mà chưa được sự đồng ý của IECC. Ngoài ra, đến thời điểm này, UCMAS Nghệ An còn nợ IECC số tiền 19,5 triệu đồng, cùng với phí độc quyền 80 triệu đồng. Ngày 18/7/2016, Công ty UCMAS Nghệ An đã gửi công văn xin dừng thực hiện phí bản quyền và dừng cơ sở đào tạo tại số 42, đường Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, đến nay cả hai cam kết này vẫn không được UCMAS Nghệ An thực hiện. 
 
Trước khi đi đến chính thức chấm dứt hợp tác, IECC đã nhiều lần gửi công văn nhắc nhở, cảnh cáo song UCMAS Nghệ An vẫn phớt lờ quy định, tiếp tục vi phạm. Do đó, ngày 1/12/2016, IECC đã gửi văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp tác cho Đại lý nhưng không được UCMAS Nghệ An chấp nhận. Mặc dù vậy, IECC cũng khẳng định bằng văn bản, sau thời điểm này, UCMAS Nghệ An không còn tư cách pháp nhân chính thức để triển khai chương trình Bàn tính và số học trí tuệ tại Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ngày 12/2/2017, IECC đã ký kết hợp tác với Công ty Maths Smart. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, giữa 2 đơn vị đã xảy ra tranh chấp liên quan đến thương hiệu, bản quyền. IECC cho rằng, đơn vị được phép khai thác thương hiệu này trên địa bàn Nghệ An, duy nhất chỉ là Công ty Maths Smart. Tuy nhiên, lấy lý do hợp đồng đơn phương vô hiệu lực, phía Công ty UCMAS Nghệ An cho rằng, từ nay đến năm 2018, họ vẫn được quyền sử dụng thương hiệu, hình ảnh để chiêu sinh, giảng dạy. 
 
Ông Nguyễn Văn Chinh, Tổng Giám đốc Công ty UCMAS Nghệ An thừa nhận, đơn vị đã hết thời hạn cấp phép hoạt động và chưa được Sở GD&ĐT cấp phép trở lại. Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng, đơn vị đã mua độc quyền toàn TP Vinh nên việc Sở GD&ĐT biết điều này mà vẫn cấp phép cho Công ty Maths Smart là sai, vì ông này cho rằng, hợp đồng độc quyền với IECC vẫn đang còn hiệu lực.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Cao, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, liên quan giữa các đơn vị là tranh chấp bản quyền, phải giải quyết trên cơ sở Luật Doanh nghiệp, Sở GD&ĐT chỉ có chức năng thẩm định chương trình, nội dung dạy học và cơ sở vật chất có đảm bảo việc dạy học hay không. Qua kiểm tra, Sở GD&ĐT nhận thấy Công ty Maths Smart có đủ điều kiện hoạt động nên đã cấp phép công nhận đào tạo tiếng Anh cũng như chương trình Bàn tính và số học trí tuệ. Trong khi đó, trụ sở chính của Công ty UCMAS Nghệ An tại số 8, đường Hồ Sỹ Dương chưa đủ điều kiện dạy học, đào tạo nên Sở GD&ĐT chưa cấp phép.
 
Hiện, Công ty này đã trình hồ sơ xin cấp phép tiếng Anh, còn chương trình UCMAS thì chưa xem xét vì IECC Hà Nội đang có công văn kiến nghị Công ty UCMAS Nghệ An vi phạm bản quyền. Theo ông Cao, hiện Sở GD&ĐT Nghệ An đang đề nghị khi nào công ty có đầy đủ bằng chứng khẳng định việc nhượng quyền này còn có hiệu lực, thì mới cấp phép hoạt động.
  
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Vinh Diện, Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự tại TP Vinh cho rằng, việc IECC Hà Nội đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp độc quyền chương trình với UCMAS Nghệ An, có hiệu lực hay không còn phụ thuộc vào việc, trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận đơn phương chấm dứt hay không. Do vậy, các bên hoặc cần ngồi lại với nhau để thỏa thuận.
.

Thiện Thành