Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/thay-gi-tu-viec-nhieu-dia-phuong-bi-dung-xkld-sang-han-quoc-731687/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/thay-gi-tu-viec-nhieu-dia-phuong-bi-dung-xkld-sang-han-quoc-731687/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thấy gì từ việc nhiều địa phương bị dừng XKLĐ sang Hàn Quốc? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 09/04/2017, 07:47 [GMT+7]

Thấy gì từ việc nhiều địa phương bị dừng XKLĐ sang Hàn Quốc?

(Congannghean.vn)-Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chính thức công bố công văn về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2017 của 44 quận, huyện, thành, thị thuộc 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, Nghệ An có 11 huyện, thị không tiếp nhận lao động sang xứ sở Kim chi trong năm 2017 vì có số lượng lao động hết thời hạn không về nước, cư trú bất hợp pháp trên 60 người.

 Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

11 địa phương của Nghệ An bao gồm: Nghi Lộc (358 người), TP Vinh (254 người), Hưng Nguyên (203 người), Nam Đàn (195 người), Thanh Chương (197 người), TX Cửa Lò (240 người), Đô Lương (148 người), Diễn Châu (160 người), Yên Thành (159 người), Quỳnh Lưu (154 người) và Tân Kỳ (61 người). Đây là những địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động cao nhiều hơn 60 người. Nghệ An cũng là tỉnh đứng đầu trong danh sách các địa phương bị ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm).

Trốn ở lại nước bạn để “lao động chui”

Tại Nghệ An, số liệu của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, từ năm 2012 đến tháng 2/2017, đã vận động được 2.967 lao động về nước đúng hạn trong tổng số 5.314 người phải về nước theo quy định, đạt tỉ lệ 55,8%. Số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp là 2.347 người.

Cụ thể, năm 2012 chỉ có 234 trong tổng số 788 lao động hết thời hạn tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, chiếm tỉ lệ 29,7%; số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp là 554 người, chiếm tới 70,3%. Tiếp đó, vào năm 2013, thông qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền khác nhau, đã vận động được 603 người trong tổng số 1.110 lao động hết hợp đồng về nước đúng thời hạn, đạt tỉ lệ 54,32%; số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống còn 507 người, chiếm 45,68%.

Đến năm 2016, đã vận động được 1.262 người về nước trong tổng số 2.220 lao động phải về nước đúng thời hạn sau khi hết hợp đồng, chiếm tỉ lệ 56,8%. Riêng trong tháng 2/2017, Nghệ An có 95 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chỉ có 111 người trở về nước đúng hạn.

Nguyên nhân của việc lao động ở lại nước sở tại sau khi hết hạn hợp đồng, theo ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng An toàn - Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, trước hết do thu nhập ở nước ngoài cao, lao động sợ về nước sẽ không có việc làm nên tìm cách ở lại. Ngoài ra, các ông chủ sử dụng lao động đã quen với nhân công, không muốn thay thế nguồn nhân lực mới khi đã bỏ chi phí, thời gian để đào tạo nên vô hình trung, đã tạo điều kiện cho lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Đối với chế tài xử lý hiện nay, theo ông Hùng, phía Việt Nam đã rất mạnh tay trong việc đưa ra các hình thức xử lý như giữ lại số tiền ký quỹ trước khi xuất khẩu lao động, cấm xuất cảnh đối với những trường hợp vi phạm. Song song với đó, Chính phủ 2 nước đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích như miễn xử phạt, miễn cấm xuất nhập cảnh và mở ra cơ hội được tái nhập cảnh trở lại làm việc theo chương trình EPS đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Mặc dù vậy, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao.

Nhiều hệ lụy

Điều này đã kéo theo không ít hệ lụy, ngoài việc hàng trăm nghìn lao động khác mất cơ hội sang xứ sở Kim chi làm việc khi vấp phải lệnh cấm, đối với những lao động cư trú bất hợp pháp, khi xảy ra sự cố rủi ro cũng không được bất cứ tổ chức nào hỗ trợ, giúp đỡ.

Thực tế cho thấy, khi chẳng may xảy ra sự cố tai nạn lao động dẫn đến chết người, những lao động này đành phó thác cho sự quyên góp, ủng hộ từ cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc, hoặc gia đình phải vay mượn kinh phí để đưa thi thể người thân về nhà.

Mới đây nhất, theo tin tức trên nhiều diễn đàn Hội đồng hương Việt Nam, Nghệ An ở Hàn Quốc cho biết, ngày 5/4, anh Hoàng Hải Chiến (SN 1972), quê quán khối Hải Trung, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò đã tử vong tại đây. Theo đó, anh Chiến sang Hàn Quốc từ tháng 7/2012 để lao động, nhưng do bất hòa với chủ lao động và công việc không hợp lý nên đã bỏ ra ngoài và trở thành lao động bất hợp pháp từ hơn 2 năm nay. Hiện, gia đình đang làm các thủ tục hậu sự để đưa thi thể anh Chiến về quê nhà, chôn cất theo phong tục địa phương.

Theo bà Đặng Thị Phương Thủy, Phó trưởng phòng An toàn - Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, mặc dù các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhưng tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp vẫn còn ở mức cao. Một số địa phương cấp cơ sở chưa tích cực quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp giảm thiểu số lượng lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, theo dõi đối với những lao động cư trú bất hợp pháp đã về nước và lao động về nước đúng hạn gặp nhiều khó khăn vì hầu hết người lao động sau khi về nước đã về trực tiếp gia đình, không báo cáo với cơ quan chức năng của địa phương. Để chấm dứt tình trạng này, ngoài các biện pháp tuyên truyền, vận động, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Cùng với đó, cần có sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền đối với người lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, đối với UBND các xã, phường, thị trấn, cần đưa chỉ tiêu vận động người lao động về nước đúng hạn vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm. Và biện pháp cứng rắn hơn là có thể đề nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc rà soát, có chế tài xử lý nghiêm đối với chủ sử dụng dung túng, sử dụng lao động trái phép và người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp.

.

Thiên Thảo

.