(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An xảy ra 14 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy là 176 ha; trong đó riêng tháng 6 đã xảy ra 12 vụ làm hơn 40 ha rừng bị cháy. Vụ cháy rừng gần đây xảy ra vào ngày 12/6 tại Khe Hương, vùng rừng giáp ranh giữa xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn và xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương đã thiêu rụi nhiều diện tích rừng là các cây keo, thông có tuổi thọ hơn 10 năm.
Điều đáng nói là tại khu rừng này năm 2015 cũng đã xảy ra cháy. Do thời tiết nắng nóng, thảm thực bì dày nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, bốc cháy dữ dội khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm phối hợp chữa cháy rừng. |
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PC&CC số 7 đã triển khai lực lượng, phương tiện tới hiện trường phối hợp với Lữ đoàn Công binh 414, Kiểm lâm, quần chúng nhân dân dập tắt ngọn lửa. Mặc cho ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, áp lực hơi nóng nhưng các CBCS vẫn dũng cảm chiến đấu, giành giật với “giặc lửa” để bảo vệ rừng. Những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tham gia chữa cháy nói chung và lực lượng cứu hỏa Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 nói riêng được chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn với 870 nghìn ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 739 nghìn ha, chiếm 82%, phân bổ ở nhiều địa bàn; vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như phòng, chống cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Hàng năm, vào mùa nắng nóng, tình trạng cháy rừng lại có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp, có khu vực cháy đến 2, 3 lần, kéo dài trong nhiều ngày khiến công tác chữa cháy vô cùng khó khăn.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm các năm trước, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, các ngành chức năng đã chú trọng, tăng cường tập trung các biện pháp PCCC rừng nhằm chủ động trong mọi tình huống khi có cháy xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Cảnh sát PC&CC tỉnh, các phòng Cảnh sát PC&CC khu vực luôn nêu cao tinh thần thường trực chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và trực tiếp tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy rừng. Nhờ đó, khi xảy ra các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, lực lượng chữa cháy đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường, làm tốt công tác cứu chữa, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, tình hình thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến thất thường. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, nguy cơ cháy rừng vẫn luôn thường trực; vì vậy, công tác PCCC rừng luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng đặt lên hàng đầu.
Ngoài việc tổ chức quán triệt các công điện, chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Cảnh sát PC&CC yêu cầu các đơn vị tổ chức thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần, sẵn sàng phối hợp, tham gia chữa cháy, ứng cứu kịp thời các tình huống khi xảy ra cháy rừng.
Đồng chí Đại tá Lê Quốc Báo, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh cho biết: “Để làm tốt công tác PCCC rừng, ngoài việc thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu, sẵn sàng xuất quân khi nhận lệnh, chúng tôi còn tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền cho chủ rừng cũng như người dân sống xung quanh khu vực làm tốt công tác PCCC rừng; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng liên quan làm tốt công tác cứu chữa, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất”.
Các lực lượng chức năng triển khai các phương án chữa cháy rừng. |
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo vệ rừng và trách nhiệm trong công tác PCCC của chủ rừng cũng như quần chúng nhân dân sống ở khu vực ven rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng PC&CC cơ sở phải tăng cường công tác huấn luyện, thực tập chữa cháy một cách hiệu quả để khi có cháy xảy ra không để lúng túng, bị động trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt.