Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201605/toan-canh-ve-hoat-dong-da-cap-tai-nghe-an-675328/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201605/toan-canh-ve-hoat-dong-da-cap-tai-nghe-an-675328/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Toàn cảnh về hoạt động đa cấp tại Nghệ An - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/05/2016, 08:37 [GMT+7]

Toàn cảnh về hoạt động đa cấp tại Nghệ An

Điểm mặt những chiếc “bánh vẽ” đa cấp ở xứ Nghệ

(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đánh vào tâm lý “không làm gì nhưng vẫn có tiền”, các công ty đa cấp đã ồ ạt “tấn công” vào mọi tầng lớp trong xã hội, từ cán bộ, công chức đến giáo viên, sinh viên và cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Đằng sau những “chiếc bánh vẽ” quá lớn của các công ty đa cấp là những giọt nước mắt, sự ân hận muộn màng và cả những gia đình bên bờ tan nát.

Kỳ cuối: Lật tẩy chiêu trò của các công ty đa cấp “bẩn”

Trò cũ lặp lại

Tại Nghệ An, tính đến thời điểm hiện nay, tuy chưa phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật nào liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp nhưng loại hình kinh doanh này vẫn tiềm ẩn phức tạp và đã xuất hiện dấu hiệu bất thường, biến tướng của một số tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp như cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ở TX Thái Hòa, Đô Lương, Diễn Châu, TP Vinh và Công ty TNHH Mannatech Việt Nam tại TX Cửa Lò.

 Một gia đình ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương đóng cửa bỏ làng đi làm thuê sau khi “vỡ mộng” đa cấp
Một gia đình ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương đóng cửa bỏ làng đi làm thuê sau khi “vỡ mộng” đa cấp

Đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh cho biết: Qua công tác nắm tình hình, cơ quan điều tra thấy nổi lên một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại hình này.

Thứ nhất, cá nhân muốn trở thành thành viên bán hàng cho công ty đa cấp, trước hết phải mua gói sản phẩm của công ty, có giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của thị trường và đây là hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp (theo Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp). Tuy nhiên, trên thực tế, giấy tờ thể hiện việc mua bán là tự nguyện, do đó việc xử lý của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, để thu hút khách hàng, các công ty đa cấp liên tục có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, lựa chọn các gói sản phẩm được nhiều người quan tâm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… và khuyến khích, lôi kéo người khác tham gia mạng lưới bằng cách trích một phần lợi nhuận từ việc bán hàng theo sơ đồ “kim tự tháp”.

Tuy nhiên, điều kiện được hưởng khuyến mãi là khi doanh số bán hàng của công ty đạt định mức chứ không theo thời gian cụ thể. Thực chất của việc làm này là đánh vào tâm lý hám lợi của người dân để lấy tiền người mua sau trả thưởng cho người mua trước.

Thậm chí, ở một số công ty, người tham gia mua hàng muốn được trả thưởng và nhanh lên cấp sau khi trở thành thành viên nên đã liên tục bỏ tiền ra mua nhiều gói sản phẩm, tự mình tiếp thị và bán hàng cho mình. Hay nói cách khác, những người này đã dùng chính tiền của mình để trả thưởng cho mình tại thời điểm đó.

Nhiều trường hợp các công ty đa cấp không tiếp tục phát triển được mạng lưới, dẫn đến doanh số bán hàng không đạt định mức thì khách hàng không được hưởng đủ số tiền khuyến mãi theo cam kết. Lúc này, hàng hóa đã mua cũng không bán được vì giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường, không trả lại được cho công ty vì đã quá 30 ngày theo cam kết ban đầu, cũng không thể khiếu nại lên công ty vì giao dịch này là tự nguyện.

Để giảm bớt thiệt hại cho bản thân, những người đã trót tham gia vào mạng lưới chỉ còn cách tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người tham gia mua hàng càng tốt. Cứ thế, mạng lưới và số người tham gia bán hàng đa cấp ngày càng mở rộng, tất nhiên những người càng tham gia về sau càng có nguy cơ rủi ro cao hơn.

UBND huyện Đô Lương ban hành công văn cảnh báo người dân về dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động bán hàng đa cấp
UBND huyện Đô Lương ban hành công văn cảnh báo người dân về dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động bán hàng đa cấp

Kiểm tra ra sai phạm

Tại địa bàn Nghệ An, từ đầu năm 2015 đến nay, thông qua việc xác minh, giải quyết các tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, tổ chức xác minh 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong tổ chức bán hàng đa cấp.

Cụ thể, tháng 8/2015, Phòng Cảnh sát Kinh tế nhận được đơn do 10 người dân ở TX Cửa Lò đứng đơn, phản ánh Công ty TNHH Mannatech Việt Nam, có trụ sở tại số 9/95 tổ 4, phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), tổ chức bán hàng đa cấp trá hình tại địa bàn TX Cửa Lò.

Qua xác minh, lực lượng chức năng nhận thấy, từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2015, Công ty TNHH Mannatech Việt Nam đã tổ chức bán hàng đa cấp tại đây đúng như phản ánh, mặt hàng chủ yếu là yến mạch ăn nhanh và đến nay, công ty này còn nợ khách hàng tại địa bàn TX Cửa Lò số tiền tương ứng 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, hành vi đang phát sinh mối quan hệ dân sự và tranh chấp dân sự giữa các bên, chưa có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra đã yêu cầu lãnh đạo công ty gặp gỡ, thỏa thuận với những người dân này để giải quyết số hàng yến mạch còn nợ.

Trước đó, ngày 28/7/2015, Công an huyện Đô Lương nhận được trình báo của anh Bùi Xuân Hùng (SN 1977) trú tại xã Yên Sơn, phản ánh cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc, chi nhánh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, đóng chân trên địa bàn xã Yên Sơn có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Qua xác minh được biết, chi nhánh Hoàng Giang Phúc đã được UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh, đăng ký lần đầu vào ngày 26/5/2014, hoạt động bán hàng đa cấp với 2 gói sản phẩm là hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.

Số lượng người tham gia bán hàng cho cơ sở kinh doanh này, tính đến thời điểm kiểm tra rất đông đảo, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, số tiền khách hàng đã mua các gói sản phẩm ước tính lên đến hàng tỉ đồng. T

rong đó, anh Bùi Xuân Hùng đã mua 4 gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe với tổng số tiền 47 triệu đồng. Sau khi mua hàng, anh được cấp thẻ thành viên và hợp đồng bán hàng đa cấp và được trích hoa hồng nếu giới thiệu được người khác mua sản phẩm. Quá trình làm ăn, phát sinh mâu thuẫn về tiền bạc, nghi ngờ tính chân thực của hoạt động này nên anh Hùng đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Ngay sau đó, phía Công ty đã trả lại cho anh Hùng số tiền 33 triệu đồng và hủy hợp đồng bán hàng đa cấp, số tiền còn lại công ty trừ vào “chi phí chăm sóc sức khỏe” nên không trả lại. Cơ quan Công an đã vào cuộc và phát hiện hoạt động của cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh như nhân viên hoạt động trong cơ sở không có hợp đồng lao động, không có chứng chỉ hành nghề, các sản phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ… Trong khi đó, nhiều khách hàng đã bỏ ra khoản tiền lớn, có người lên đến hàng trăm triệu đồng để tham gia bán hàng đa cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp về ANTT.

.

Thiên Thảo

.