Pháp luật
Đổi đất cho chính quyền, mòn mỏi đi 'đòi' bìa đỏ
(Congannghean.vn)-Để tạo điều kiện xây nhà văn hóa xóm, gia đình đã thống nhất đổi đất về vị trí khác. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, mặc dù UBND huyện đã có quyết định cấp đất cho gia đình song chính quyền địa phương vẫn phớt lờ ý kiến chỉ đạo, tìm cách gây khó dễ khi yêu cầu phải có học bạ, bằng tốt nghiệp các cấp để hoàn thiện hồ sơ!
Vừa qua, Báo Công an Nghệ An nhận được đơn của ông Nguyễn Đức Phúc (SN 1954) trú tại xóm 11, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn phản ánh về việc, đến nay đã gần 10 năm đổi đất để làm nhà văn hóa xóm 13, xã Khánh Sơn nhưng gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), dù ông đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng.
Ông Phúc với tập hồ sơ, giấy tờ nhiều năm đi “đòi” GCNQSDĐ từ chính quyền |
Mảnh đất mà ông Phúc đổi cho xóm 13 làm nhà văn hóa là đất do mẹ ông Phúc là bà Tý Ủy mua lại của gia đình anh Phạm Văn Nuôi vào ngày 10/12/1978. Ngày 26/12/1996, mẹ ông Phúc đã viết di chúc trước lúc qua đời, giao việc toàn quyền sử dụng mảnh đất này cho ông Phúc trông coi, thờ phụng tổ tiên. Bản di chúc này đã được các cấp chính quyền xác nhận.
Từ đó cho đến năm 2007, ông Phúc sinh sống ổn định tại mảnh đất này mà không xảy ra bất cứ tranh chấp nào, bản thân ông cũng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế cho Nhà nước. Thời gian này, tập thể ban cán sự xóm 13 và UBND xã Khánh Sơn đã nhiều lần đến thương lượng với vợ chồng ông Phúc đổi đất để xây nhà văn hóa xóm.
Theo xác nhận của UBND xã Khánh Sơn đề ngày 8/2/2007: “UBND xã Khánh Sơn họp ngày 6/2/2007 đã thống nhất đổi vườn của bà Tý Ủy ở xóm 13 cho xóm 13 làm nhà văn hóa trên cơ sở đơn của gia đình và tập thể xóm 13, tập thể UBND xã Khánh Sơn đã cam kết. Địa điểm vườn gia đình được đổi tại ngã ba cầu Vực Nàng, giáp đường 15A, diện tích một đổi một theo thực tế. Vậy, đề nghị cán bộ địa chính xã và hội đồng giao đất tiến hành làm các hồ sơ, thủ tục theo quy định bàn giao đất cho gia đình”.
Ngay sau đó, gia đình ông Phúc đã chuyển về khu vực đất mới này để khai hoang và sinh sống, xóm 13 cũng đã tiến hành xây dựng nhà văn hóa tại vị trí đất cũ của ông Phúc. Thế nhưng, cũng từ đó đến nay, ông Phúc đã nhiều lần “gõ cửa” cơ quan chức năng nhưng vẫn không được cấp GCNQSDĐ.
Điều lạ hơn nữa là vào ngày 12/3/2012, UBND huyện Nam Đàn đã có Quyết định số 1136 về việc giao đất cho ông Nguyễn Đức Phúc, với diện tích 960 m2 tại vùng rú Bùi (gần cầu Vực Nàng), xã Khánh Sơn để sử dụng vào mục đích đất vườn ở, thuộc tờ bản đồ số 37, thửa số 869, lô đất số 01.
UBND huyện cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và UBND xã Khánh Sơn có trách nhiệm bàn giao đất và trao GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Đức Phúc nhưng đến nay, vẫn chưa cấp GCNQSDĐ dù gia đình đã nhiều lần có ý kiến.
Vị trí thửa đất mà chính quyền xã Khánh Sơn cấp cho ông Phúc nhưng không cấp GCNQSDĐ |
Làm việc với ông Nguyễn Đức Phúc, ông này cho biết thêm: Cán bộ địa chính và cán bộ tư pháp xã yêu cầu ông Phúc phải xuất trình học bạ hoặc bằng tốt nghiệp các cấp phổ thông nhưng những loại giấy tờ này trước đây đã bị lũ lụt cuốn trôi hết. Ngoài ra, do yêu cầu phải có giấy khai sinh nên ngày 5/5/2016, ông Phúc buộc phải đi làm giấy khai sinh để bổ sung hồ sơ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tính, cán bộ địa chính xã Khánh Sơn. Lấy lý do mới chuyển về từ xã Nam Trung, ông Tính cho biết, chưa hề nhận bàn giao hồ sơ vụ việc từ cán bộ địa chính trước đó nên không nắm được sự việc cụ thể, kể cả quyết định cấp đất cho ông Phúc của UBND huyện Nam Đàn từ 4 năm trước, khi phóng viên đưa ra để làm bằng chứng thì nhiều cán bộ tại xã Khánh Sơn “mới thấy lần đầu”.
Tuy nhiên, ông Tính lại mâu thuẫn khi trưng ra cái gọi là “giấy xác nhận” đề ngày 5/5/2016 của ông Phạm Văn Nuôi, người đã bán mảnh đất này cho mẹ ông Phúc cách đây gần 40 năm, với nội dung bán mảnh đất này cho anh Nguyễn Đức Tý, là anh ruột của ông Phúc chứ không phải bán cho bà Tý Ủy.
Nguyên nhân của sự việc trên, theo ông Tính là do có kiện tụng từ vợ con của ông Tý (đã mất - P.V) về việc không được chia phần thừa kế tại mảnh vườn đã đổi cho nhà văn hóa và đó là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong cấp đất cho ông Phúc?!
Lý do này rất mâu thuẫn, bởi khi phóng viên yêu cầu cung cấp đơn thư, hồ sơ khiếu nại liên quan thì cán bộ địa chính xã Khánh Sơn không xuất trình được. Ngoài ra, trong bản di chúc của bà Tý Ủy cũng như giấy tờ mua bán đất đai trước đó có xác nhận của chính quyền đều thể hiện việc mua bán này là giao dịch diễn ra giữa ông Nuôi và bà Tý Ủy.
Được biết, gia đình ông Nguyễn Đức Phúc thuộc diện chính sách, hai vợ chồng trước đây đều tham gia cách mạng. Vì tuổi đã cao, con cái đông nên ông muốn được cấp GCNQSDĐ để có bằng chứng pháp lý làm cơ sở phân chia tài sản cho con cái sau này.
“Nếu biết trước mọi chuyện sẽ rắc rối và khó khăn như thế này, chúng tôi đã không đổi đất cho chính quyền”, ông Phúc buồn bã cho biết.
Thiên Thảo