Diễn đàn pháp luật
Trẻ em được bảo vệ toàn diện
(Congannghean.vn)-Luật Trẻ em 2016 được thông qua gồm 7 chương, 106 điều, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, quy định nguyên tắc đảm bảo trẻ em được thực hiện đầy đủ quyền và bổn phận của mình, không phân biệt đối xử với trẻ em, đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.
Ưu tiên nguồn lực bảo vệ trẻ em
Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng tình trạng xâm hại tình dục nam. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi với nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ...
Luật Trẻ em 2016 ưu tiên nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Trong ảnh: Công an tỉnh Nghệ An tổ chức vui Tết Trung thu 2015 cho con em CBCS đơn vị với chủ đề “Đêm hội trăng rằm”) |
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không chỉ đòi hỏi phải huy động nguồn lực của toàn xã hội mà còn phải đổi mới các chính sách, hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với thực tế của các địa phương.
Ngày 5/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
Luật Trẻ em 2016 gồm 7 chương, 106 điều (tăng 46 điều), có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. So với Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (sửa đổi) năm 2014, Luật Trẻ em 2016 có những thay đổi quan trọng.
Cụ thể: Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; đồng thời phát triển mạng lưới người được giao quyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại các địa phương. Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em.
Các quyền và bổn phận của trẻ em
Luật Trẻ em 2016 đã bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Cụ thể, ngoài một số hành vi bị nghiêm cấm theo quy định hiện hành như: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không đảm bảo an toàn, có hại cho trẻ em…, từ ngày 1/6/2017, các hành vi bị nghiêm cấm còn bao gồm: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ; cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác, sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; tước đoạt quyền sống của trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Luật Trẻ em 2016 tiếp tục khẳng định trẻ em là những người dưới 16 tuổi và không giới hạn trẻ em phải là công dân Việt Nam, đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, Luật quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó bổ sung các nhóm mới như: Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Đối với việc đảm bảo quyền dân sự của trẻ em, Luật khẳng định: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ đó gây ra theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ quyền và bổn phận của trẻ em, các nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nội dung quản lý Nhà nước về trẻ em, trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế trẻ em, trách nhiệm của Nhà nước, các bộ, ngành, UBND các cấp, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em … cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Trẻ em 2016.
Cao Loan