Pháp luật

Xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

Thấy gì sau những lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo? (Bài 2)

15:09, 13/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Khi hộ nghèo “chín ép”

(Congannghean.vn)-Yên Khê là xã đầu tiên của huyện Con Cuông, cũng là một trong số ít xã miền núi thuộc khu vực miền Tây của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với cách làm thiếu dân chủ và minh bạch, thành tích mà hiếm địa phương nào có được ít nhiều bị “méo mó” khi liên tiếp có thông tin phản ánh về việc, để đảm bảo các tiêu chí liên quan đến thu nhập của người dân và tỉ lệ hộ nghèo, cán bộ chuyên môn cũng như cán bộ thôn bản đã buộc nhiều hộ dân “cam kết” thoát nghèo trong khi đời sống thực tế còn rất nhiều khó khăn.

Bài 2: “Thoát nghèo bằng mọi giá để đạt nông thôn mới”

Ngoài lá đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo được viết theo mẫu sẵn thì nét chữ của người làm đơn và nét chữ của người ký tên không giống nhau
Ngoài lá đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo được viết theo mẫu sẵn thì nét chữ của người làm đơn và nét chữ của người ký tên không giống nhau

Chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước nhằm mục đích giúp người nghèo có điều kiện làm ăn sinh sống, nâng cao thu nhập, được hưởng các quyền lợi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội… để từ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Vì vậy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là cán bộ lãnh đạo các địa phương cần có nhận thức đúng đắn về chủ trương giảm nghèo.

Thời gian qua, việc nhiều hộ dân ở các vùng quê nghèo viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo đã gây sự chú ý trong dư luận. Chính sách giảm nghèo nhằm mang lại quyền lợi cho người dân nhưng “chủ thể”, đồng thời là đối tượng phục vụ trực tiếp lại chưa thấy được giá trị, ý nghĩa nhân văn này. Đây chính là thiếu sót mang tính trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương và người làm công tác thực hiện chính sách giảm nghèo.

Trở lại thực tế đang diễn ra tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, nếu việc các hộ dân viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo diễn ra vào một thời điểm khác mà không phải là trong bối cảnh địa phương này đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM theo mục tiêu mà huyện và xã đề ra, thì chắc chắn sự việc sẽ được nhìn nhận theo một hướng khác.

Thế nhưng, với 217 hộ nghèo có đơn thoát nghèo trong khi cuộc sống của họ còn quá khó khăn đã gây sự hoài nghi trong dư luận. Đó là con số các hộ nếu có đơn sau khi được thẩm định và đánh giá lại sẽ quyết định đến con số “cứng” để được công nhận hoàn thành tiêu chí hộ nghèo (dưới 10%).

Là người có vai trò tham mưu UBND huyện và ngành trong công tác giảm nghèo qua các năm nhưng ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Con Cuông tỏ ra bất ngờ khi phóng viên cung cấp những gì đang diễn ra ở cơ sở.

Ông Hồng cho biết, huyện đã triển khai, quán triệt và tập huấn đầy đủ cho các địa phương cũng như những người làm công tác này. Thêm vào đó, việc nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thời gian qua có “phong trào” viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo cũng là việc “thường xuyên” và hết sức bình thường, bởi trước đó ở các xã Thạch Ngàn, Môn Sơn cũng có nhiều hộ xin thoát nghèo mà không có sự phản ứng nào từ dư luận.

Thế nhưng, khi cán bộ chuyên trách chính sách lao động, xóa đói giảm nghèo xã Yên Khê không cung cấp được một trường hợp nào (trước thời điểm xét hộ nghèo cho tiêu chí NTM - P.V), thì người đứng đầu ngành LĐ - TB&XH mới thật sự bị thuyết phục trước những thông tin mà phóng viên cung cấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hồng cho biết: Theo báo cáo công tác giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015, nếu theo tiêu chí đa chiều (mốc thực hiện từ cuối 2015) trên địa bàn huyện thì tại xã Yên Khê, năm 2014 có 353 hộ nghèo (tương đương 26,03%), đến năm 2015 còn 169 hộ (tương đương 12,33%). Nếu đối chiếu và lấy số liệu hộ nghèo này trước thời điểm đón danh hiệu xã đạt chuẩn NTM thì rõ ràng tiêu chí hộ nghèo không đạt (phải dưới 10% - P.V).  Lý do bắt nguồn từ chỗ cách đánh giá hộ nghèo năm 2015 có sự thay đổi, đó là từ đơn chiều sang đa chiều.

Theo quy định, để xác định hộ nghèo và làm căn cứ để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của năm 2015 thì phải điều tra từ cuối năm 2014. Do đó, số liệu liên quan đến hộ nghèo năm 2015 vừa qua có sự đan xen trong cách thay đổi tiêu chí, cụ thể là chỉ tiêu thu nhập của khu vực nông thôn từ 400.000 đồng (cũ) lên 700.000 đồng (mới).

Việc khẳng định các hộ nghèo có thoát nghèo hay không từ các năm trước phụ thuộc vào kết quả điều tra của năm 2015. Thế nhưng, liên quan đến tiêu chí hộ nghèo năm 2015 lại đúng vào dịp thẩm định tiêu chí NTM. Nếu áp dụng đa chiều (700.000 đồng) thì hộ nghèo không những không giảm mà còn tăng lên, vì hộ nghèo hiện nay thu nhập chỉ 400.000 đồng, nếu theo tiêu chí mới thì cao gần gấp đôi.

Sau khi xin ý kiến cấp trên, để lấy số liệu hộ nghèo đảm bảo tiến độ vào tháng 12/2015 thì phải đánh giá giữa kỳ khả năng giảm nghèo so với trước. Khi được sự thống nhất của huyện, đã đồng ý đánh giá hộ nghèo 2015 thì lấy kết quả của năm 2014 để đánh giá khả năng giảm nghèo được bao nhiêu. Nếu đạt dưới 10% thì đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, còn không đạt thì chờ năm tiếp theo.

Ông Hồng cũng thừa nhận, sau khi làm việc với xã, thực tế giữa thôn bản và một số hộ nghèo xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là không khách quan. Vì thế, việc điều tra thu nhập theo đơn chiều thì phải qua biểu quyết thôn bản, còn đa chiều thì điều tra theo cách chấm điểm với biểu mẫu theo quy định. Do đó để dẫn đến tình trạng này là do điều tra không khách quan, minh bạch.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Con Cuông thừa nhận có sự thiếu khách quan liên quan đến bình xét tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM ở xã Yên Khê
Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Con Cuông thừa nhận có sự thiếu khách quan liên quan đến bình xét tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM ở xã Yên Khê

Trong quá trình thu nhập bằng chứng, chúng tôi còn phát hiện những điều bất thường liên quan đến “chủ nhân” của những lá đơn xin thoát nghèo trên địa bàn xã Yên Khê.

Đó là sự mâu thuẫn của đơn tự nguyện và sự áp đặt của người điều tra, khi thực tế là đơn được đánh máy sẵn theo mẫu chung. Khi cán bộ đến thôn bản đã yêu cầu các hộ mặc dù không đủ tiêu chí thoát nghèo viết tên và ký vào phía cuối văn bản; có những lá đơn mà trong đó, nét chữ của người làm đơn và nét chữ của người ký tên hoàn toàn khác nhau. Thậm chí có nhiều trường hợp, cán bộ điều tra không ký vào văn bản khi đi xác minh ở cơ sở sau khi các hộ đã ký tên.

Trả lời băn khoăn này, ông Hồng thừa nhận sai do cán bộ thôn bản, các tổ điều tra và hứa sẽ kiểm tra, xác minh.

Liên quan đến tiêu chí hộ nghèo có tác động trực tiếp đến danh hiệu NTM ở xã Yên Khê, với chức năng giúp Ban Chỉ đạo huyện quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn, ông Phan Xuân Diện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp kiêm Chánh văn phòng điều phối NTM huyện Con Cuông cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, huyện đã vào cuộc rất quyết liệt, kể cả chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhưng kết quả phản ánh chưa khách quan, bởi thực tế vẫn còn xảy ra trường hợp các hộ nghèo viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo nhưng còn nghèo.

Tuy nhiên, cách lý giải của người tham mưu cho chủ trương này khiến chúng tôi không khỏi ái ngại, bởi theo ông Diện: “Để chứng minh một hộ có thu nhập 400.000 đồng (theo tiêu chí cũ) để thoát nghèo không khó, vì trong một hộ chỉ cần một lao động đi làm thuê theo giá mức tiền công như hiện nay thì chỉ làm 3 ngày công là đủ thoát nghèo”.

Rõ ràng, với cách trả lời thiếu trách nhiệm này có thể thấy rằng, việc xã Yên Khê đạt chuẩn NTM là có sự đánh giá thiếu khách quan.

Xuân Thống - Đức Thắng

Các tin khác