Pháp luật

'Tín dụng đen', hệ lụy đã được báo trước

07:38, 13/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với viễn cảnh được hưởng số tiền lãi “khủng” mà người vay hứa hẹn, nhiều người đã cả tin đem hết tài sản cho người khác mà không hề đắn đo, suy nghĩ. Chỉ đến khi người vay tuyên bố vỡ nợ, người cho vay mới tỉnh ngộ thì đã quá muộn màng. Đằng sau những chiêu trò huy động nguồn vốn “tín dụng đen” trong một bộ phận nhân dân là hệ luỵ đã được báo trước. Tuy nhiên, do hám lợi trước mắt, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân và vô tình tiếp tay cho vấn nạn này.

Những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An và một số địa phương trên cả nước liên tục xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ với quy mô lớn. Theo đó, người dân tự huy động vốn vay cũng như thoả thuận ngầm với nhau về việc cho vay nên chỉ đến khi vỡ nợ mới tỉnh ngộ thì sự việc đã không thể cứu vãn.

Chỉ với giấy viết tay cam kết vay nợ, nhiều nạn nhân không biết “kêu ai” vì thủ tục cho vay lỏng lẻo
Chỉ với giấy viết tay cam kết vay nợ, nhiều nạn nhân không biết “kêu ai” vì thủ tục cho vay lỏng lẻo

Tiền cho vay không thể đòi lại, mâu thuẫn vợ chồng, gia đình, anh em nảy sinh do tín dụng đen; đồng thời gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Thậm chí, đã xảy ra nhiều vụ án mạng liên quan đến “tín dụng đen” khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

Tại nhiều vùng quê vốn yên bình, người dân quanh năm làm lụng vất vả, chắt chiu được ít tài sản để dành nhưng vì hám lợi trước mắt đã giao hết cho đối tượng có nhu cầu vay. Cũng có không ít phiên toà xét xử vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” mà cả bị hại lẫn bị can là anh em ruột thịt với nhau… Điều đáng nói là, trước những lời hứa hão với lãi suất cao hơn ngân hàng của những đối tượng đi vay, người cho vay vẫn không hề nghi ngờ, cảnh giác.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vỡ nợ, trong đó sự chủ quan, cả tin và hám lợi trước mắt của người cho vay là một trong những tác nhân chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Tình trạng vỡ nợ do “tín dụng đen” trong một bộ phận nhân dân không còn quá xa lạ trong thời gian qua. Vì lãi suất “hấp dẫn”, người có nhu cầu vay và người cho vay đã tự ý thoả thuận, giao dịch với nhau mà không có bất cứ hợp đồng giao dịch mang tính pháp lý nào.

Vì vậy, để tránh những hệ luỵ đáng tiếc, trước khi ký kết hợp đồng giao dịch, người dân nên tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có tư cách pháp nhân rõ ràng.

Qua thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn Nghệ An, từ năm 2012 - 2015 đã xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ hụi, gây thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng. Điều đáng nói là, tình trạng này xảy ra trên diện rộng, tại 14/21 huyện, thành, thị của tỉnh. Thậm chí, tại các huyện miền núi, đồng bằng, “tín dụng đen” đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh “tan cửa, nát nhà”.

Thực tế, “tín dụng đen” chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây do nền kinh tế suy thoái, dẫn đến nảy sinh quan hệ giao dịch giữa người cho vay và người vay mà không cần đến sự can thiệp của tổ chức tín dụng có đầy đủ tư cách pháp nhân. Đây là hoạt động tín dụng ngầm giữa người huy động vốn và người cho vay mà không chịu sự quản lý của tổ chức ngân hàng hay cơ quan Nhà nước nào.

Thực tế các vụ vỡ nợ, vỡ hụi trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua cho thấy, sự ràng buộc giữa người cho vay và người huy động vốn chỉ là những tờ giấy viết tay, trong khi không hề có sự chứng kiến của cơ quan quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp chỉ thoả thuận miệng với nhau nên khi vỡ nợ, người cho vay không thể xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý để cơ quan chức năng giải quyết. Thực tế này cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc, nhất là những vụ vỡ nợ mà người huy động vốn không có khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, những người cho vay được đối tượng có nhu cầu vay hứa sẽ nhận được lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng Nhà nước. Điều này vi phạm Điều 163, Bộ luật Hình sự về tội “cho vay nặng lãi”. Chính vì vậy, khi chủ nợ tuyên bố vỡ nợ, nhiều người cho vay đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không dám trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.

Còn rất nhiều hệ luỵ liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có việc người cho vay khó đòi lại tài sản của mình đã trót trao cho người vay.

 “Tín dụng đen” không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Để ngăn chặn tình trạng nói trên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng tới người dân về hậu quả của “tín dụng đen”. Tuy nhiên, chính bản thân người cho vay cũng cần nâng cao cảnh giác trước những lời hứa sẽ nhận được lãi suất “hấp dẫn” mà người huy động vốn đưa ra.

Bên cạnh đó, người dân nếu có ý định cho người khác vay nên tìm đến các tổ chức tín dụng có đầy đủ tư cách pháp nhân để được tư vấn. Mặt khác, trước khi ký kết hợp đồng tín dụng cho vay, cần có sự chứng kiến của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Đặc biệt, cần có giải pháp ổn định, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, qua đó kịp thời ngăn chặn những vụ việc cho vay nặng lãi để tránh hậu quả đáng tiếc.

Ngọc Thái

Các tin khác