Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201603/nguoi-tam-than-tai-cong-dong-dan-cu-moi-nguy-hiem-tiem-an-trong-xa-hoi-665182/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201603/nguoi-tam-than-tai-cong-dong-dan-cu-moi-nguy-hiem-tiem-an-trong-xa-hoi-665182/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mối nguy hiểm tiềm ẩn trong xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 05/03/2016, 09:01 [GMT+7]
Người tâm thần tại cộng đồng dân cư

Mối nguy hiểm tiềm ẩn trong xã hội

(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 4.000 người bị tâm thần đang điều trị nội trú tại bệnh viện và khoảng 12.000 người bệnh được gia đình chăm sóc, sinh hoạt tại cộng đồng dân cư hoặc lang thang ngoài xã hội. Trong đó, một số đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và cộng đồng, là thủ phạm gây ra các vụ giết người đau lòng. Qua đó cho thấy, công tác quản lý đối tượng tâm thần hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều năm nay, người dân xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu đã quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Đông (70 tuổi), bất kể trời nắng hay mưa vẫn đều đặn đi nhặt giấy vụn mỗi ngày. Đáng ra ở tuổi này, bà phải được vui vầy bên con cháu, thế nhưng, số phận thật trớ trêu khi người con trai tên H. - chỗ dựa duy nhất của bà lúc tuổi già lại bị bệnh tâm thần. Số tiền hỗ trợ 360.000 đồng/tháng dành cho bệnh nhân bị tâm thần như muối bỏ biển khi H. suốt ngày đập phá đồ đạc. Nhiều lần, H. còn đánh, đuổi bà Đông và những người hàng xóm tốt bụng.

Một điều rất dễ nhận thấy đó là những gia đình có bệnh nhân tâm thần đều có nỗi khổ riêng. Với người thân, bệnh nhân tâm thần vừa là nỗi đau, vừa là gánh nặng. “Nghèo đói là tình cảnh chung của các gia đình có bệnh nhân tâm thần nên nguồn kinh phí để chăm sóc họ còn nhiều hạn chế. Thiếu thuốc cắt cơn và điều trị khiến bệnh tình ngày càng diễn biến xấu và nặng hơn”, bác sĩ Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết.

Người tâm thần lang thang ngoài xã hội gây nguy hiểm cho người dân
Người tâm thần lang thang ngoài xã hội gây nguy hiểm cho người dân

Ngày 2/8/2014, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng mà thủ phạm là người bị bệnh tâm thần. Phạm Duy Quý (SN 1993) trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương dùng dao rựa giết 4 người trong gia đình là bà nội, bố mẹ đẻ và chị họ. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, Quý có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, đã từng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng không có bệnh án.

Trước đó, tháng 7/2013, tại xóm Mu, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Khởi (SN 1953) đang ngồi hóng mát ở nhà thì bị con trai là Bùi Văn Xiển (SN 1989) chém nhiều nhát từ phía sau gây tử vong. Được biết, Xiển cũng là đối tượng mắc bệnh tâm thần.

Theo ông  Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần là Trung tâm Bảo trợ xã hội ở huyện Đô Lương và Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh ở huyện Nghi Lộc, so với nhu cầu  khoảng 16.000 người tâm thần trên địa bàn là không thể đáp ứng.

Từ khi có Đề án 1215, UBND tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch thực hiện nhưng do nhu cầu lớn, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp khiến công tác quản lý, điều trị gặp không ít khó khăn. Theo quy định, chỉ khi người tâm thần không có người thân mới được đưa vào các trung tâm để chăm sóc. Phần lớn, nhiều bệnh nhân tâm thần sống chung với gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều người thân chấp nhận “sống chung” với “lũ”, hoặc khi không quản lý được thì để người tâm thần lang thang ngoài xã hội.

Bên cạnh đó, một số gia đình đưa con em mình đi bệnh viện chuyên khoa điều trị. Tuy nhiên, sau khi bệnh ổn định, trở về nhà, gia đình đã không tự nguyện đưa họ vào chương trình quản lý điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng để được các thầy thuốc tiếp tục quản lý, thăm khám, theo dõi và cấp phát thuốc điều trị định kỳ tại cơ sở y tế huyện, xã, phường.

Vì nhiều nguyên nhân, việc uống thuốc của người bệnh rất thất thường hoặc người nhà tự ý bỏ thuốc, không điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không cho người bệnh tái khám nên bệnh tái phát nhiều lần và trở thành mãn tính. Mỗi lần tái phát, bệnh có xu hướng nặng lên nên nguy cơ gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh là rất lớn.

“Việc quản lý người tâm thần tại cộng đồng dân cư là khó khăn chung của nhiều địa phương chứ không chỉ riêng Nghệ An. Do tác hại của ma túy và rượu, trong thời gian gần đây, số lượng người tâm thần không ngừng tăng lên qua từng năm. Muốn quản lý tốt người tâm thần sống tại cộng đồng, cần có sự quản lý của gia đình và bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Bởi theo nguyên tắc, khi địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc nếu họ trong diện điều trị ngoại trú. Nếu bệnh nhân quá nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất những hậu quả do người tâm thần gây ra cho người thân và xã hội”, bác sĩ Phan Kim Thìn cho biết thêm.

Ở nước ta, người bị bệnh tâm thần nặng ước tính chiếm khoảng 2,5% trong số người rối nhiễu tâm lý, tương đương 200.000 người. Tỉ lệ người bệnh tâm thần mãn tính chiếm 0,8% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Trên thực tế, số bệnh nhân được quản lý, điều trị chỉ chiếm số lượng nhỏ. Còn phần lớn người bệnh vẫn đang ở thể tự do ngoài xã hội.

 

.

Mai Hậu

.