(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định số 567/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã ra quân quyết liệt trong việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tại huyện Quỳ Châu chỉ có 4 lò gạch thủ công nhưng đến nay, các lò gạch này vẫn đang “nhả khói”…
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 567/QĐ- TTg và sau đó là nhiều chỉ thị, thông tư của Trung ương về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn cả nước.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị tăng cường rà soát, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, huyện, thị trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền và sử dụng đồng thời nhiều giải pháp để xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, cho đến nay, 4 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Quỳ Châu vẫn đang hoạt động.
Gạch mộc xếp thành hàng dài tại lò gạch của ông Tuyến ở bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh |
Một ngày cuối tháng 2/2016, chúng tôi ngược theo Quốc lộ 48 lên huyện miền núi Quỳ Châu, khi qua bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu thì chứng kiến cảnh lò gạch của Công ty TNHH MTV Hữu Tuyến đang hoạt động. Cụ thể, trên bãi có rất nhiều gạch đã nung và gạch chưa nung, đặc biệt có rất nhiều gạch mộc (gạch mới sản xuất - P.V).
Khi đến nơi ở của ông Tuyến (Công ty TNHH MTV Hữu Tuyến), chúng tôi gặp một người phụ nữ tên Lan, em gái ông Tuyến. Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao UBND tỉnh đã có chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng tại đây vẫn đang hoạt động thì bà Lan trả lời: “Chỗ chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất vì được sự cho phép của lãnh đạo xã và huyện. Ở đây họ ưu tiên dân miền núi, vì cuộc sống đang khó khăn nên họ tạo điều kiện để người dân được lợi…”.
Khi được hỏi, nếu lãnh đạo huyện cho phép thì có văn bản nào không, bà Lan khẳng định: “Có hợp đồng hẳn hoi”…
Tại lò gạch của ông Nguyễn Phú Ngọc ở xóm 3/2, xã Châu Bình, chúng tôi chứng kiến cảnh khá nhiều công nhân đang vận chuyển gạch từ lò nung ra bãi tập kết. Cạnh đó, gạch mộc vừa mới sản xuất cũng đang được xếp thành từng hàng dài nối tiếp nhau…
Qua trao đổi, ông Ngọc - chủ lò gạch cho biết: “Tôi làm gạch ở đây từ những năm đầu 90. Về chủ trương xóa lò gạch thủ công, tôi cũng đã nghe từ lâu. Ở đây, huyện cũng đã tuyên truyền, vận động xóa bỏ nhưng chúng tôi xin lùi lại một thời gian để tận thu những nguyên liệu còn tồn đọng, sau đó sẽ chuyển đổi nghề nghiệp”.
Cũng theo ông Ngọc, nguyện vọng của ông đã được các cấp chính quyền tạo điều kiện kéo dài thời gian sản xuất để tận thu nguyên liệu. Theo quan sát của chúng tôi, cạnh lò gạch của ông Ngọc là lò gạch của gia đình ông Sinh vẫn đang hoạt động.
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình. Theo ông Đại, lãnh đạo xã cũng đã nắm được nội dung chỉ đạo về việc xóa lò gạch thủ công nhưng do địa phương đang gặp khó khăn về vật liệu xây dựng, trong khi chưa chuyển đổi được sang hình thức lò gạch công nghệ cao nên xã đã tạo điều kiện cho các lò gạch tận dụng nguyên liệu còn lại, sau đó mới chuyển đổi sang hình thức sản xuất mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Công thương huyện Quỳ Châu cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 lò gạch thủ công. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện cũng đã tuyên truyền, vận động các chủ hộ và cũng đã có các hình thức xử lý vi phạm.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2015, đoàn kiểm tra của huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công do quá thời gian quy định và buộc cơ sở sản xuất hoàn trả lại mặt bằng theo hợp đồng đã cam kết. Huyện không có văn bản nào cho phép các lò gạch thủ công này tiếp tục hoạt động như thông tin phản ánh.
Như vậy, việc để các lò gạch thủ công tiếp tục hoạt động như hiện nay tại Quỳ Châu là trái với quy định. Các chủ lò gạch cũng đã biết về chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công từ lâu, tuy nhiên để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền các địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.