Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201602/kiem-soat-giet-mo-tap-trung-con-nhieu-bat-cap-664200/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201602/kiem-soat-giet-mo-tap-trung-con-nhieu-bat-cap-664200/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kiểm soát giết mổ tập trung: Còn nhiều bất cập - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 29/02/2016, 08:49 [GMT+7]

Kiểm soát giết mổ tập trung: Còn nhiều bất cập

(Congannghean.vn)-Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chấn chỉnh, chỉ đạo song việc xây dựng, quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở xây dựng xong thì đóng cửa, một số khác lại hoạt động cầm chừng, trong khi tình trạng giết mổ tràn lan ở các khu vực bên ngoài vẫn tái diễn. Đáng lưu ý là, việc giết mổ này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Nghệ An, tính đến tháng 11/2015, toàn tỉnh chỉ có 33/60 cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung đang hoạt động và 2.709 điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động; tuy nhiên, chỉ rất ít điểm trong số này được kiểm soát.

Không những không kiểm soát được lượng gia súc, gia cầm giết mổ để bán ra trên thị trường hàng ngày, những con số này còn cho thấy thực tế là, nhiều CSGM tập trung được xây dựng với kinh phí hàng tỉ đồng đang bỏ hoang, hoặc hoạt động cầm chừng, vì vậy nguy cơ khó thu hồi vốn là điều khó tránh khỏi.

“Khóc ròng” bên CSGM tập trung

Theo Quyết định số 5008/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, đến thời gian nói trên, phấn đấu có khoảng trên 120 CSGM gia súc, gia cầm tập trung, trong đó đưa 100% số điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại vùng đồng bằng, 70 - 80%  tại vùng trung du và 50% tại vùng núi cao vào các CSGM gia súc, gia cầm tập trung để giết mổ.

 Một chủ cơ sở giết mổ tập trung “khóc ròng” bên lò giết mổ tập trung được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng hoạt động cầm chừng
Một chủ cơ sở giết mổ tập trung “khóc ròng” bên lò giết mổ tập trung được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng hoạt động cầm chừng

Riêng đến đầu năm 2015, toàn tỉnh phải có trên 70 CSGM tập trung; tỉ lệ này tại TP Vinh và TX Thái Hòa, TX Cửa Lò là 50%. Tuy nhiên, không những không đạt được các chỉ tiêu đề ra mà theo Chỉ thị 04/2015 ngày 3/2/2015 của UBND tỉnh thì việc giết mổ tập trung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ: “Trong thời gian qua, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chưa được chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, còn buông lỏng. Việc giết mổ gia súc, gia cầm còn diễn ra tuỳ tiện, nhỏ lẻ, tự phát tại hộ gia đình trong các khu dân cư ở hầu hết các vùng, không đảm bảo quy trình theo quy định, hoạt động không có giấy phép, vi phạm Pháp lệnh Thú y. Do đó, đã có một số lượng lớn sản phẩm động vật kém chất lượng, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan thú y vẫn lưu thông trên thị trường, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cao, làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người tiêu dùng”.

Đến ngày 6/10/2015, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn 7074/2015 khẳng định, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế, tiến độ xây dựng mới và nâng cấp CSGM tập trung tại nhiều địa phương còn chậm. Vẫn còn 26 cơ sở đóng cửa từ lâu năm chưa khôi phục để hoạt động trở lại; phần lớn các CSGM, các điểm giết mổ đủ điều kiện thiết yếu để giết mổ chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, một số lượng lớn điểm giết mổ trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát.  

Được biết, để xây dựng một CSGM tập trung có năng lực giết mổ như hiện nay thì chi phí là khoảng 1 tỉ đồng. Trong đó, nhiều cơ sở đầu tư hoành tráng nhưng đổi lại, mỗi đêm chỉ có vài chục con lợn, con trâu được đưa vào giết mổ, trong khi công suất của cơ sở đó có thể đạt từ 150 - 200 con/đêm.

Ông Bùi Văn Q., chủ CSGM tập trung tại xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu cho biết: Năm 2003, thực hiện đề án quy hoạch CSGM tập trung, gia đình bỏ gần 500 triệu đồng để xây dựng CSGM có thể giết mổ 150 con lợn/đêm. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 5 - 7 con/đêm được đưa vào lò giết mổ kể từ khi hoạt động đến nay.

Vào các dịp cao điểm như các ngày lễ, Tết cũng không vượt quá 20 con/đêm. Với mức giá 20.000 đồng/con lợn được giết mổ, số tiền thu về mỗi đêm chưa đủ để trả tiền điện, nước và nhân công; vì vậy, việc thu hồi vốn là “bài toán” khó. Để duy trì cơ sở và kiếm thêm thu nhập, ông Q. đã tận dụng phần cơ sở không sử dụng đến làm nơi sơ chế sản phẩm đông lạnh.

 Công tác kiểm soát giết mổ hiện nay đang bị thả nổi, dẫn đến vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo
Công tác kiểm soát giết mổ hiện nay đang bị thả nổi, dẫn đến vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo

Ông Đinh Văn H., một chủ CSGM tập trung được đầu tư khang trang tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2005, ông H. vay 100 triệu đồng của ngân hàng để xây dựng CSGM trên diện tích gần 3.000 m2, với đầy đủ các bộ phận như khu giết mổ, nhà điều hành, khu vực nuôi nhốt, khu làm lông, khu kiểm dịch và hệ thống thoát nước.

Cơ sở này là đầu mối giết mổ tập trung của các xã lân cận như Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Phú… nhưng mỗi đêm cũng chỉ có khoảng 30 con lợn được đưa vào giết mổ, bình quân mỗi ngày thu về khoảng 600.000 đồng. Hơn 10 năm hành nghề, ông H. vẫn chưa thu hồi đủ vốn.

“Tôi đang định bỏ thì có Dự án Lifsap đồng ý đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở với khoản hỗ trợ 30.000 USD. Vì vậy, tôi đã cầm cố tài sản, vay được 1,2 tỉ đồng; vợ đi xuất khẩu lao động mang về 20.000 USD cũng đổ vào đó để nâng cấp cơ sở này theo đúng thiết kế của dự án. Hiện giờ, gia đình tôi đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, vì càng làm thì càng lỗ”, ông H. cho biết.

Kiểm soát giết mổ đang bị thả nổi?

Nghệ An hiện có 60 CSGM nhưng chỉ có 33 cơ sở đang hoạt động và được kiểm soát. Trên thực tế, lâu nay, công tác kiểm soát giết mổ tại các chợ gần như bị thả nổi. Ông Nguyễn Trọng Bốn, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Diễn Châu cho biết, toàn huyện đã quy hoạch 10 CSGM tập trung nhưng đến nay chỉ có 6 cơ sở đang hoạt động và có thể kiểm soát được. Bình quân mỗi CSGM tập trung chỉ giết mổ khoảng 15 con lợn/đêm.

Việc kiểm soát giết mổ tại huyện Diễn Châu lâu nay chỉ được thực hiện trực tiếp tại các CSGM tập trung, còn tại các chợ gần như phải thả nổi; trong đó chủ yếu là kiểm soát việc giết mổ lợn, còn các loại gia cầm như gà, vịt thì gần như không kiểm soát nổi.

Thực tế trên tại huyện Diễn Châu cũng là vấn đề chung của hầu hết các địa phương khác trên địa bàn tỉnh hiện nay, thậm chí nhiều nơi còn tiến hành việc kiểm soát một cách qua loa, lấy lệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm được bán ra trên thị trường hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Để hỗ trợ xây dựng CSGM tập trung, UBND tỉnh có Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 17/11/2014, hỗ trợ 30% chi phí xây dựng các CSGM; Dự án Lifsap có mức hỗ trợ cao nhất là 30.000 USD. Năm 2014, Dự án Lifsap đã đầu tư xây dựng 22 CSGM, điểm giết mổ tập trung tại Nghệ An với tổng số tiền 198.000 USD; UBND tỉnh hỗ trợ số tiền 710 triệu đồng để xây dựng các CSGM và điểm giết mổ tập trung.

Các vướng mắc về đất đai cũng đã được tháo gỡ với việc tăng thời hạn cho thuê đất lên 20 - 30 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư không mấy mặn mà với các CSGM tập trung là bởi, việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận quá thấp trong khi vốn đầu tư lớn.

Theo quan điểm của ngành thú y, hoạt động của các CSGM tập trung chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các CSGM tập trung hiện đang phó mặc cho ngành thú y.

.

Thiện Thành

.