(Congannghean.vn)-Vừa qua, Báo Công an Nghệ An nhận được đơn phản ánh của ông Nguyễn Đình Châu (SN 1947) trú tại xóm 6, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên về việc, các cấp chính quyền ở huyện Hưng Nguyên gây khó khăn trong việc tách thửa đất nằm ở phía ngoài đê tả Lam cho gia đình ông.
Theo trình bày của ông Châu, gia đình ông có một mảnh đất ở phía ngoài đê tả Lam, thuộc địa phận xóm 6, xã Hưng Lam, tổng diện tích 915 m2. Thửa đất có từ năm 1965, do bố mẹ ông để lại. Năm 1996, thửa đất trên được UBND huyện Hưng Nguyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, do mảnh đất này nằm ngoài đê, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên năm 1998, ông Châu đã mua của UBND xã Hưng Lam một mảnh đất khác trong đê tại xóm 3. Sau khi mua đất trong đê để làm nhà ở, ông Châu cho vợ chồng con trai là Nguyễn Văn Ngọc mảnh đất ở ngoài đê.
Ông Châu trao đổi sự việc với phóng viên |
Đến năm 2010, xã Hưng Lam được “hưởng” dự án di dời tái định cư ra khỏi vùng sạt lở theo Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lúc này, anh Ngọc được hội đồng xét duyệt đưa vào danh sách di dân và được cấp một thửa đất mới có diện tích 300 m2 theo hình thức không thu tiền tại vùng Môn, xã Hưng Lam. Anh Ngọc được xét duyệt tái định cư nhưng hồ sơ đất đai đang ở đều đứng tên ông Châu.
Trong khi đó, theo quy định thì những gia đình thuộc diện di dời ra khỏi vùng sạt lở đều phải bàn giao lại toàn bộ diện tích nơi ở cũ cho Nhà nước, nhưng ông Châu lại không bàn giao.
Ông Châu cho biết: “Gia đình tôi đông con trai, trong khi mảnh đất cũ ở phía ngoài đê chỉ có 200 m2 đất ở, do đó tôi đã làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất lâu năm sang đất ở và tách thửa để chia cho các con nhưng cán bộ địa chính xã thời kỳ đó không giải quyết”. Mãi đến năm 2009, UBND xã Hưng Lam đồng ý cho ông Châu tách thửa thì khi trình hồ sơ lên, huyện lại không đồng ý, vì mảnh đất trên nằm trong dự án di dời và yêu cầu gia đình ông Châu trả lại toàn bộ diện tích đó cho Nhà nước.
Điều đáng nói là, sau khi nhận đất tái định cư, anh Ngọc lại cho em trai là Nguyễn Văn Sáng làm nhà ở, mặc dù lúc này ông Châu vẫn chưa đồng ý trả lại toàn bộ diện tích đất ở ngoài đê như quy định. Hơn nữa, vào năm 2011, thửa đất ngoài đê của ông Châu nằm trong dự án di dời khỏi vùng sạt lở nhưng lại được UBND xã Hưng Lam chứng thực để làm hồ sơ tặng, cho quyền sử dụng đất với diện tích 100 m2.
Vào năm 2014, thửa đất này lại được xã Hưng Lam hướng dẫn cho ông Châu làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp đó, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hưng Nguyên đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ký văn bản cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về thửa đất ngoài đê cho ông Châu.
Được biết, UBND xã Hưng Lam đã nhiều lần mời ông Châu lên làm việc và đề nghị ông bàn giao toàn bộ diện tích đất ngoài đê cho Nhà nước để UBND xã ra quyết định giao đất tái định cư cho anh Ngọc. Tuy nhiên, ông Châu đã khước từ đề nghị trên và chỉ đồng ý trả lại một phần diện tích. Do đó, sự việc kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không đồng ý cho ông Châu tách thửa đất ngoài đê. Đến nay, hồ sơ đất tái định cư của anh Ngọc chưa phê duyệt được, vì anh Ngọc không phải là đối tượng thuộc diện tái định cư như quy định. Do đó, nếu ông Châu chấp nhận bàn giao toàn bộ diện tích đất ở ngoài đê thì chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ cấp đất cho anh Ngọc. Nếu ông Châu vẫn nhất quyết không bàn giao thì chúng tôi sẽ thu hồi diện tích đất đã cấp cho anh Ngọc trước đó. Vì anh Ngọc ở trên đất thuộc quyền sở hữu của ông Châu, trong khi đó ông Châu đã có nhà ở trong đê nên không thuộc đối tượng cấp đất tái định cư khi di dời khỏi vùng sạt lở”.
Có thể nói, đây là một “bài toán” khó, song để sự việc sớm đi đến hồi kết, cần có sự phối hợp, hợp tác giữa chính quyền và người dân.