(Congannghean.vn)-Xưa, các cụ thường răn dạy con cháu: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết tra chân đi cùm”, ý chỉ chẳng ai làm giàu được từ loại tệ nạn này. Thế nhưng, từ bao đời nay, đặc biệt cứ đến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, có không ít người tìm đến “đỏ đen”, chỉ đến khi tra tay vào còng thì mọi việc đã quá muộn.
Cách đây khoảng 2 năm, khi đến Trại giam số 6 (Bộ Công an) tham dự chương trình đặc xá, tôi cứ bị ám ảnh mãi về một phạm nhân nằm trong danh sách được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Anh tên là P.N.H. (SN 1974) trú tại một xã miền núi của huyện Thanh Chương. Tôi ấn tượng bởi anh bị liệt hai chân, mọi sinh hoạt, di chuyển chỉ dựa vào đôi bàn tay. Tìm hiểu thêm được biết, anh H. nhập trại vì tội đánh bạc, mặc dù gia cảnh khó khăn, bản thân tật nguyền nhưng lại mê đánh bạc. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, phạt hành chính nhưng anh H. vẫn “chứng nào tật nấy”.
Với quan niệm đánh bạc cầu may, nhiều đối tượng đã tham gia sát phạt đầu năm |
Trở lại với câu chuyện bài bạc đầu năm, ngày 23 tháng Chạp Tết Nguyên đán năm nay, một người là nhân vật trong một bài viết cũ ở huyện Nghĩa Đàn gọi điện mếu máo cho hay, cậu con trai lớn từ nhiều năm qua tha phương kiếm sống ở miền Nam, tích cóp được ít tiền định bắt xe về quê đón Tết cùng gia đình sau nhiều năm xa cách. Đúng ngày cúng ông công ông táo, ông chủ xóm trọ kêu qua làm mấy xị rượu. Sẵn có tí men, mấy “bợm nhậu” quay ra đánh bài ăn tiền.
Trong lúc đang say sưa sát phạt thì Công an TP Biên Hòa ập vào, bắt quả tang với số tiền gần 10 triệu đồng trên chiếu bạc và trong người các đối tượng. Ngay sau đó, những người liên quan bị tạm giữ và bị khởi tố, tạm giam. Tết năm nay, thay vì về quê đoàn viên, cậu này phải đón Tết trong nhà giam nơi xứ xa.
Theo số liệu của Công an tỉnh, dịp Tết Nguyên đán năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 6 vụ, 46 đối tượng về hành vi đánh bạc, thu giữ 48,4 triệu đồng, 12 xe máy và 21 điện thoại di động cùng nhiều tang vật khác.
Điển hình, vào hồi 20 giờ ngày 9/2/2016 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán), Đại đội Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 4 đối tượng, gồm: Sư Hữu Ngọc (SN 1986) trú tại khối 12, phường Lê Lợi; Hồ Hải Bình (SN 1973) trú tại khối 3, phường Trung Đô; Kiều Phi Hùng (SN 1969) trú tại khối 3, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và Hồ Anh Tuấn (SN 1985) trú tại khối 11, phường Trung Đô, TP Vinh về hành vi đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa, thu giữ 5,5 triệu đồng trên chiếu bạc và hơn 20 triệu đồng trong người các đối tượng. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, dịp đầu năm mới, chúng tổ chức đánh bạc để... lấy lộc đầu năm.
Trước đó, vào ngày 13/1, Công an huyện Đô Lương cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng thường xuyên tổ chức đánh bạc tại nhà Nguyễn Trọng Hòe (SN 1969) ở xã Tràng Sơn. Tại địa phương, nhắc đến Hòe, nhiều người ngán ngẩm bởi đối tượng này thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh khó khăn nhưng lại “mê mẩn” cờ bạc. Bản thân Hòe từng có một tiền án về tội danh này, ra tù chưa lâu nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Thời điểm bị bắt giữ, Hòe mới trở về sau đợt điều trị dài ngày ở bệnh viện. “Nhàn cư vi bất thiện”, định bụng kiếm tiền tiêu xài trong những ngày Tết, Hòe đã lập sòng bạc tại gia, bất luận vợ con ra sức ngăn cản. Vào thời điểm bị bắt quả tang, tại nhà đối tượng này có 2 sòng bạc với 12 đối tượng đang say sưa sát phạt dưới hình thức xóc đĩa.
Cơ quan Công an thu giữ tang vật hơn 11 triệu đồng. Trong số 7 đối tượng bị khởi tố và bắt giam sau đó, ngoài Nguyễn Trọng Hòe còn có hai anh em Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1984) và Nguyễn Hữu Quang (SN 1988) cũng từng có tiền án về tội đánh bạc.
Với quan niệm dịp đầu năm, đánh bạc là hình thức kiếm lộc, tại một số địa phương, nhiều người, không kể già trẻ, trai gái tham gia sát phạt nhau mà không biết rằng, hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Đến lúc bị bắt, nhiều đối tượng có tiền đánh bạc nhưng lại không có tiền nộp phạt bởi theo luật định, với số tiền tang vật dưới 2 triệu đồng, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi có quyết định xử phạt đã viết đơn xin… khất nộp tiền phạt. Hỏi ra mới hay, họ đều là nông dân, phải vay mượn để lấy tiền tiêu Tết nhưng sẵn “máu đỏ đen” nên sa vào chiếu bạc. Được biết, chuyện về những lão nông nghèo mơ giấc mơ đổi đời chóng vánh trên những chiếu bạc như thế vẫn còn rất nhiều.
Còn nhớ, ổ bạc tại gia của Đặng Thị Hải ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn bị Công an huyện này phát hiện cách đây chưa lâu là một ví dụ điển hình. Tuy “nghiệp dư” nhưng những con bạc không tiền này thường xuyên tụ tập, gây mất ANTT thôn xóm, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tất cả những đối tượng tham gia đều là lao động chính trong gia đình. Một trong 4 đối tượng nói trên làm nghề đồ tể, còn lại 3 đối tượng, một là người làm nông chất phác, một bà bán tạp hóa và một thanh niên “vô công rồi nghề”.
Nói về cờ bạc, các cụ vẫn thường bảo: “Cờ bạc là bác thằng bần” hay “Đánh đề ra đê mà ở” nhằm ám chỉ việc, chẳng ai giàu có từ việc đánh bạc. Thế nhưng, hiện nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân say mê với trò trò đỏ đen với hy vọng đổi đời, dù biết rằng hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng vẫn không từ bỏ, đặc biệt là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.