Từ 1/7/2015, 10 Luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Mở rộng đối tượng là tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể, ngoài doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, Luật còn bổ sung thêm các tổ chức cũng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng
Theo Luật Kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng (quy định trước đó là 6 tỉ đồng). Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung nhiều quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai như các chủ đầu tư phải được bảo lãnh bởi ngân hàng thương mại đủ năng lực trước khi bán.
Không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN
Luật Doanh nghiệp đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của DN; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập DN.
Một số thay đổi đáng chú ý trong Luật là DN không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN; DN được quyền tự quyết về con dấu; chỉ các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là DN nhà nước, thay vì 51% như hiện nay…
Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập DN Nhà nước trong 4 lĩnh vực
Các cơ chế, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Luật quy định Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập DN Nhà nước trong 4 lĩnh vực, cụ thể là DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Luật Đầu tư đã lần đầu tiên xác định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Ngoài các ngành này, doanh nghiệp được hoàn toàn tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề theo hướng mở rộng phạm vi, điều chỉnh đến đối tượng các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đối mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp gồm: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.
Luật Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân năm 2014 gồm 7 chương, 45 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, tăng 02 điều. Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; tổ chức của Công an nhân dân; quy định về phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; hệ thống cấp bậc hàm và đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; điều kiện phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc; bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp hàm cấp tướng... Luật quy định Công an xã thuộc cơ cấu lực lượng Công an nhân dân, quy định về các trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác mà hi sinh, từ trần.
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 5 điều của Luật hiện hành, bổ sung 1 điều, sửa kỹ thuật 1 điều, tập trung vào những vấn đề chính là chức vụ của sĩ quan; cấp bậc, quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan; tiền lương, nhà ở đối với sĩ quan tại ngũ.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sĩ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng.
Đối với cán bộ cấp phân đội, quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội là Thiếu tá; Trung đội trưởng là Đại úy để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình...
Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không trong việc duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước.
.