(Congannghean.vn)-Mặc dù dịch cúm gia cầm H5N1 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào, thế nhưng việc quản lý hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận trong thời gian qua vẫn còn hết sức lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các ổ dịch. Mặt khác, việc giết mổ gia cầm tự phát đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cần sớm chấn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Sen, một người dân sinh sống tại phường Quán Bàu, TP Vinh cho biết: “Mỗi lần đi chợ cần mua gà, vịt, ngan, ngỗng…, tôi đều thuê người bán làm thịt ngay ngoài chợ. Bởi như vậy, thực phẩm rất tươi ngon, lại tiện dụng, người mua chỉ việc đưa thực phẩm về nhà rửa sạch, chế biến mà không mất công làm thịt...”. Thói quen của bà Sen cũng là thói quen chung của các bà nội trợ hiện nay.
“Lò” giết mổ gia cầm tự phát tại chợ Ga Vinh |
Khi đến chợ, mọi người chỉ cần chọn loại gia cầm rồi trả thêm tiền, sau đó, người bán sẽ làm thịt ngay tại chợ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận hiện đang diễn ra tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có lò giết mổ tập trung, do vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các ổ dịch cúm gia cầm. Mặt khác, khu vực giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh, lại xen lẫn với nơi bán thực phẩm khô, thực phẩm rau, củ, quả…, dẫn đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại cổng sau chợ Ga Vinh, thường xuyên có 3 - 4 lồng bán gia cầm đủ các loại như gà, vịt, ngan, ngỗng… Theo quan sát của chúng tôi, khu vực mua bán gia cầm sống ở đây hết sức lộn xộn, người bán gia cầm để nguyên những chiếc lồng sắt trên xe gắn máy, khách mua hàng tùy ý chọn lựa, thấy ưng ý con nào thì người bán lập tức giết thịt ngay tại chỗ. Cạnh đó, nồi nước sôi đục ngầu lẫn lộn lông gà, lông vịt được đun đi đun lại nhiều lần để nhúng gia cầm, sau đó đưa ra để vặt lông. Đáng chú ý, hoạt động giết mổ này diễn ra công khai ngay ở lối ra vào cổng chợ nhưng gần như không có bóng dáng của lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Vinh cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện có 21 chợ dân sinh, phân bố tại các phường, xã nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 3/5 lò mổ gia súc (trâu, bò, lợn) đang hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, riêng các lò giết mổ gia cầm thì vẫn chưa được xây dựng tại các chợ, việc giết mổ gia cầm hiện vẫn mang tính tự phát. Do vậy, việc kiểm soát hoạt động này chưa thể thực hiện và vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Vào các buổi sáng, chúng tôi đều đã tiến hành công tác tiêu độc khử trùng tại các khu vực diễn ra hoạt động mua bán các loại gia cầm, với mục đích phòng bệnh là chính. Mặt khác, thẩm quyền kiểm tra, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định giết mổ gia cầm tại các chợ lại thuộc về chính quyền các phường, xã và ban quản lý các chợ, cơ quan thú y chỉ đóng vai trò làm công tác tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ, dập dịch. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết UBND các phường, xã chưa thực sự quan tâm đến vấn đề mua bán, giết mổ gia cầm tại các chợ.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 2.100 người làm công tác giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong khi đó, chính quyền địa phương lại rất ngại “va chạm” với đội ngũ này. Do vậy, mặc dù cơ quan chức năng cấp trên đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện quản lý công tác giết mổ gia súc, gia cầm nhưng vẫn chưa thể quản lý được.
.