Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201502/nhieu-vu-an-ma-tuy-ton-dong-vi-vuong-cong-van-234-586761/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201502/nhieu-vu-an-ma-tuy-ton-dong-vi-vuong-cong-van-234-586761/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều vụ án ma túy tồn đọng vì 'vướng' Công văn 234 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 11/02/2015, 13:58 [GMT+7]

Nhiều vụ án ma túy tồn đọng vì 'vướng' Công văn 234

(Congannghean.vn)-Ngày 17/9/2014, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 234 quy định trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Công văn này đã gây khó khăn cho tòa án cũng như cơ quan điều tra các cấp, nhiều nơi đã đồng loạt trả hồ sơ các vụ án ma túy chưa giám định hàm lượng để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục dẫn đến án tồn đọng.
 
Án tồn đọng vì Công văn mới
 
Theo nội dung Công văn 234 của TAND tối cao, xuất phát từ công tác giám đốc thẩm việc xét xử, TAND tối cao thấy còn có nhiều trường hợp HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy để kết tội các bị cáo, mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó dẫn đến hậu quả có thể xét xử bị oan sai. Để khắc phục tình trạng này, TAND tối cao đã ban hành công văn số 234/TANDTC-HS yêu cầu khi xét xử các vụ án phạm tội về ma túy thì phải có kết quả trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy, từ đó xác định đúng trọng lượng chất ma túy để kết tội các bị cáo.
Cơ quan chức năng tiến hành giám định tang vật trong một vụ án về ma túy
Cơ quan chức năng tiến hành giám định tang vật trong một vụ án về ma túy
Quy định này được cho là công bằng và đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, cũng từ khi Công văn có hiệu lực đến nay, đại diện ngành Công an cũng như tòa án của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nghệ An đã có ý kiến cho rằng, Công văn đã “làm khó” công tác điều tra, xét xử bởi hiện nay, cả nước chỉ mới có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là có mẫu chuẩn để thực hiện việc giám định hàm lượng, án ma túy của cả nước đổ dồn về đây sẽ dẫn đến tình trạng xếp hàng chờ giám định, gây ách tắc, tồn đọng, chưa kể cán bộ các nơi còn phải tốn kém chi phí, thời gian mang tang vật ra Hà Nội giám định. 
Đơn cử, tại địa bàn huyện Quế Phong, vào ngày 26/11/2014, Đội Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an huyện Quế Phong đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đình Thanh (SN 1980) trú tại khối 1, thị trấn Kim Sơn và Trương Thị Cẩm Hồng (SN 1992) trú tại Bến Tre khi đang tàng trữ ma túy tại khu vực xóm Dừa, địa bàn giáp ranh giữa hai xã Châu Kim và Mường Nọc, tang vật thu giữ là 19 g hêrôin.
 
Nếu như theo quy định trước đây, thì Công an huyện sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi tàng trữ ma túy của hai đối tượng này. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo từ Công văn 234, sau khi tạm giữ hình sự hai đối tượng này để lấy lời khai, Công an huyện buộc phải mang mẫu tang vật về Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, sau đó cử người đưa mẫu vật này ra Hà Nội để giám định hàm lượng ma túy tại Viện Khoa học hình sự. Sau khi có kết quả giám định mới tiến hành tiếp các thủ tục tố tụng hình sự đối với hai đối tượng Thanh và Cẩm theo quy định. 
 
Theo Thiếu tá Vi Văn Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Ma túy, Công an huyện Quế Phong thì từ sau khi có Công văn 234 đến nay, tại Công an huyện đang tồn đọng 17 vụ việc có liên quan đến ma túy vì đang phải chờ kết quả giám định, nhiều vụ án trong số này buộc phải gia hạn điều tra. Tương tự, theo số liệu của Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an tỉnh, từ ngày 17/9/2014, thực hiện Công văn 234, Phòng  đã gửi 22 mẫu vật liên quan đến 22 vụ án ma túy để đi giám định hàm lượng, hơn một nửa trong số này là do VKSND và TAND các cấp trả để giám định. Việc này không chỉ làm chậm quá trình xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy, mà còn gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi phải cử người mang tang vật ra tận Hà Nội để giám định. 
 
Những bất cập khi thực hiện Công văn 234
 
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án ma túy, Viện KSND tỉnh Nghệ An thì hiện nay, toàn tỉnh có rất nhiều vụ án ma túy phải trả hồ sơ điều tra bổ sung và nhiều vụ án chưa thể kết thúc điều tra vì vướng mắc trong giám định hàm lượng chất ma túy theo yêu cầu tại Công văn số 234. Cụ thể, tính đến thời điểm này đã có 65 vụ với 98 bị can liên quan đến ma túy phải trả hồ sơ để giám định lại hàm lượng ma túy có trong tang vật của vụ án.
 
Ngoài ra, hiện đang có 57 vụ với 73 đối tượng đã khởi tố vụ án nhưng đang “tắc” lại vì chưa có kết quả giám định hàm lượng chất ma túy và có 3 vụ án với 3 đối tượng đã bị bắt nhưng chưa thể khởi tố vì đang chờ giám định hàm lượng trong tang vật. Điều này khiến cho tiến trình giải quyết các vụ án về ma túy kéo dài, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cũng vì thế mà có những khó khăn hơn trước. 
 
Về quy định hướng dẫn “trong mọi trường hợp” liên quan đến án ma túy, bắt buộc phải giám định hàm lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này cứng nhắc bởi tại các Điều 193, 194 và Điều 195 Bộ Luật hình sự đã quy định, khi xác định các chất ma túy là hêrôin hay chế phẩm hêrôin thì dựa vào trọng lượng chứ không cần xác định hàm lượng để định khung hình phạt đối với người phạm tội. Tương tự, theo Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Tư pháp thì chỉ đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, sái thuốc phiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy dùng sản xuất ma túy thì mới cần xác định hàm lượng.
 
Do đó, khi bắt buộc phải giám định hàm lượng “trong mọi trường hợp” đã kéo theo nhiều bất cập. Ngoài việc gây khó dễ cho cơ quan điều tra, Công văn 234 còn gây ra những phiền phức nhất định trong công tác xét xử. Cụ thể, với các vụ án chưa xét xử, tòa án sẽ phải trả hồ sơ để cơ quan điều tra trưng cầu giám định hàm lượng. Còn đối với các bản án đã xét xử sơ thẩm nhưng có kháng cáo, kháng nghị, việc xác định hàm lượng sẽ làm thay đổi khung hình phạt đã tuyên trước đó.
 
Với các vụ án phúc thẩm trở lên và với các vụ án đã có hiệu lực thi hành, nhất là các vụ án bắt theo lệnh truy nã thì việc giám định hàm lượng là gần như không thể bởi tang vật đã bị tiêu hủy. Thêm một trường hợp nữa là những vụ án truy xét, những đối tượng bắt theo lời khai, chủ mưu, cầm đầu, khi bắt giữ không có tang vật thì sẽ không có mẫu vật chứng để tiến hành giám định. Chính bởi vậy, từ khi Công văn 234 ra đời và có hiệu lực đến nay, nhiều vấn đề bất cập đã được cơ quan điều tra lẫn TAND “kêu trời” nhưng vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, gây khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
.

Thiện Thành

.