(Congannghean.vn)-Từ năm 1996 đến nay, 163 hộ dân của xã Cát Văn, huyện Thanh Chương đã 2 lần được chính quyền đề nghị làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thu tiền lệ phí và bắt buộc “tự nguyện” đóng góp xây dựng quê hương với số tiền lớn nhưng đến nay, vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ mặc dù hàng năm họ đều phải nộp tiền thuê đất đầy đủ.
19 năm không làm xong thủ tục bìa đất
Theo trình bày của anh Trần Ngọc Minh (SN 1969), nguyên Xóm trưởng xóm 6A, xã Cát Văn, vào năm 2004, thực hiện chủ trương của UBND xã Cát Văn về việc cấp bìa đỏ cho người dân đã mua đất trên địa bàn nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, bao gồm cả cấp đổi và cấp mới, kể cả đất nông nghiệp theo bản đồ địa chính mới, xóm đã phổ biến đến tận người dân chủ trương và hướng dẫn cách làm cụ thể. Những hộ gia đình nào đã có bìa đất cũ sẽ phải tập trung lại để giao về cho UBND xã.
Trong thời gian này, có một đoàn tư vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường đã về tận xã để hướng dẫn người dân cách làm, họ ăn ở trong nhà anh Minh cả tuần lễ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ đo đạc, trích lục, các hộ dân đã nộp về UBND xã Cát Văn kèm theo lệ phí thẩm định hồ sơ và chính quyền cũng đã tổ chức họp để thẩm định. Sự việc chìm vào im lặng một thời gian, sau đó, UBND xã Cát Văn bất ngờ thông báo quy định cấp đất có sự thay đổi, do chưa có chủ trương nên việc cấp GCNQSDĐ tạm thời dừng lại. Từ đó đến nay, hồ sơ vẫn đang “ngâm” tại kho lưu trữ của UBND xã Cát Văn.
Hàng trăm thửa đất tại xã Cát Văn đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ |
Chị Nguyễn Thị Minh (SN 1978) trú tại xóm 6A cho biết thêm, năm 2008 là đợt thông báo làm hồ sơ lần thứ hai. Trước đó, hàng trăm hộ dân của xã Cát Văn được thông báo và đã nộp số tiền rất lớn cho UBND xã nhưng đến nay, vẫn chưa được cấp bìa đất. Cụ thể, theo chị Minh, vào tháng 6/2003, sau khi nhận được thông báo về chủ trương của UBND xã, gia đình chị đã nộp hồ sơ cùng với số tiền 1.750.000 đồng tiền thuế đất và 10.500.000 đồng tiền tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương, nhưng đến nay, vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn (SN 1971) trú tại xóm 6B, vào năm 2000, chị mua mảnh đất bám đường 533 với diện tích 200 m2, UBND xã đồng ý xác nhận vào đơn mua bán nhưng với điều kiện phải nộp 6.700.000 đồng tiền xây dựng quê hương thì cán bộ địa chính mới tiến hành đo đạc. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ dân khác, từ đó đến nay, mặc dù hàng năm đã nộp đầy đủ tiền thuế đất, nộp lệ phí thực hiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Anh Nguyễn Viết Khoa, cán bộ Trạm Y tế xã Cát Văn, hiện trú tại xóm 6A vào năm 2002 cũng đã làm đơn mua đất theo thông báo bán đất quy hoạch của UBND xã. Và để được đủ điều kiện mua 350 m2 đất, vợ chồng anh đã phải nộp 1.750.000 đồng cho khoản "lệ phí cấp đất nền nhà" và 10.500.000 đồng tiền xây dựng quê hương vào ngày 9/6/2003. Từ đó đến nay, dù đã nộp tiền thuế, phí, thực hiện đo đạc, làm hồ sơ đầy đủ nhưng vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Tự nguyện hay ép buộc?
Không riêng gì các hộ dân trên phải chịu cảnh “bất công” mà đó còn là “thảm cảnh” của 163 hộ dân khi nộp tiền mua đất trên địa bàn xã Cát Văn. Theo phản ánh của tập thể các hộ dân chưa được cấp đất tại xã này, tính đến thời điểm hiện tại, theo xác nhận của UBND xã, toàn xã có tất cả 163 trường hợp đã nộp tiền lệ phí, đóng góp xây dựng quê hương và hàng năm, đều hoàn thành các loại thuế liên quan nhưng vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Chính sự mập mờ trong thu, chi và cách giải thích vòng vo của cán bộ xã đã khiến người dân nơi đây, sau gần 20 năm mòn mỏi chờ được cấp bìa đất đã hoài nghi về tính minh bạch trong việc thu tiền của dân để sử dụng vào mục đích khác. Điều này càng được thể hiện ở chỗ, cá nhân nào có nhu cầu mua đất, ngoài các khoản lệ phí bắt buộc thì phải ký vào cái gọi là “tự nguyện” đóng góp xây dựng quê hương, nếu không “tự nguyện” thì dĩ nhiên, sẽ không được xem xét để cấp đất.
Các khoản thu của UBND xã được thể hiện trên các phiếu thu mà người dân còn giữ |
Đơn cử như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1953), cán bộ hưu trí trú tại xóm 6B, theo hóa đơn còn lưu giữ thì vào ngày 6/9/2002, gia đình bà đã nộp 6.560.000 đồng để mua đất, trước đó cũng đã đóng góp 4.750.000 đồng để xây dựng quê hương. Tương tự, chị Thúy Hường trú tại xóm 6A, ngày 11/6/2003 đã nộp 1.800.000 đồng tiền lệ phí để mua đất và phải nộp số tiền “tự nguyện” là 7.500.000 đồng để xây dựng quê hương.
Anh Nguyễn Văn Nga trú tại xóm 7, vào tháng 4/2004, đã nộp tiền lệ phí mua đất 335.000 đồng nhưng phải “tự nguyện” đóng góp 2.640.000 đồng. Nói là tự nguyện nhưng trên thực tế, họ bị chính quyền ép buộc bằng cách in sẵn đơn tự nguyện, tiền xây dựng quê hương cũng do cán bộ địa chính ấn định sẵn, nếu ai không “tự nguyện” sẽ không được xét cấp đất. Vì muốn “an cư để lạc nghiệp” nên nhiều hộ dân đã chấp nhận làm theo những quy định “trái khoáy” này. Tuy nhiên, đã hàng chục năm trời trôi qua, họ vẫn không được cấp GCNQSDĐ, khiến không ít người bất bình.
Theo công văn trả lời kiến nghị của công dân đề ngày 25/7/2014 của UBND xã Cát Văn, trong khoảng thời gian từ năm 1995 - 2004, trên địa bàn xã có đến 163 hộ dân được xét cấp đất ở nhưng chưa làm được hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ. Nguyên nhân của việc "chậm trễ" là "do hệ thống văn bản hướng dẫn có sự thay đổi, điều chỉnh" và vì "xã nhà có số lượng lớn nên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành được".
Lấy tiền mua đất của dân đi xây dựng công trình
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Giản Tư Ngộ, Chủ tịch UBND xã Cát Văn thừa nhận, sự việc 163 hộ dân của xã chưa được cấp GCNQSDĐ là có thật. Nhưng do ông Ngộ mới nhận chức Chủ tịch xã từ năm 2010 đến nay, nên những tồn đọng, vướng mắc hiện tại là do các khóa chủ tịch trước để lại. Ông Ngộ cũng thừa nhận là địa phương thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục. “Còn người dân, khi đã được cấp đất rồi thì không còn quan tâm đến việc làm thủ tục GCNQSDĐ nữa”, ông Ngộ cho biết.
Theo số liệu do Chủ tịch UBND xã cung cấp, từ năm 1996 đến nay, UBND xã đã 2 lần thực hiện thu tiền của người dân, trong đó, một lần chỉ thu lệ phí và một lần thu cả lệ phí và tiền xây dựng quê hương, một số ít được nộp về kho bạc, số còn lại dùng để đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ bản của xã nhà. Cụ thể, giai đoạn từ năm 1996 - 1999, đã thu của 54 hộ với số tiền lệ phí cấp nền nhà là 62.287.000 đồng. Số tiền này đã sử dụng để xây dựng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ và văn phòng trường THCS (nay là Trường Tiểu học xã Cát Văn).
Tiếp đó, từ năm 2000 - 2004, UBND xã Cát Văn tiếp tục thu của 106 hộ dân với số tiền 512.474.000 đồng, trong đó, thu đóng góp xây dựng quê hương (theo phiếu) là 233.326.000 đồng và tiền cấp đất là 279.148.000 đồng. Khoản tiền này, tính đến năm 2009 thì đã chi hết, ngoại trừ phần đã nộp vào Kho bạc huyện Thanh Chương 56.453.000 đồng. Số còn lại, UBND xã Cát Văn đã sử dụng vào việc xây dựng nhà làm việc UBND xã; xây nhà đoàn thể; đầu tư xây 8 phòng học, văn phòng và thư viện tại trường THCS của xã; nhà văn hóa xóm 2, xóm 12, xóm 9B và 6B; xây trạm y tế xã và trường mầm non; làm đường nhựa vào xóm 1.
Nguyên nhân dẫn tới những vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ, theo ông Ngộ, từ năm 1996 cho đến thời điểm có hướng dẫn của UBND tỉnh mới đây, trong thời gian đó, không có ai quan tâm đến, kể cả chính quyền lẫn người được cấp đất bởi do người dân hạn chế trong hiểu biết và lãnh đạo vô trách nhiệm. Hướng xử lý sắp tới, theo ông Ngộ, những gì đã làm sai nguyên tắc, chủ trương thì chờ định hướng của cấp trên. Còn việc cấp GCNQSDĐ thì xã vẫn đang tiếp tục tiến hành làm các thủ tục để cấp bìa đất cho người dân.
.