Ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì buổi họp báo tuyên truyền về một số nghị định, thông tư mới liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cũng tại cuộc họp này, nhiều thắc mắc liên quan đến giá cước vận tải, dịch vụ taxi mới, hay như quy định về việc chở hàng quá tải… đã được lãnh đạo bộ thẳng thắn trả lời.
Quản lý dịch vụ taxi Uber: Bộ GTVT nhờ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc
Trước thắc mắc của phóng viên xung quanh loại hình dịch vụ taxi mới, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, đây là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber).
Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Nếu thực hiện dịch vụ như vậy, sẽ tiềm ẩn rủi ro, không chỉ làm thiệt hại cho Nhà nước, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đầy đủ theo qui định của pháp luật, mà còn đối với chính lái xe.
Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT nhấn mạnh: Thực tế, mối quan hệ giữa người lái xe và người điều hành Uber là thông qua mạng. Họ có thể không biết nhau và không chịu trách nhiệm về hành động của nhau. Thử đặt giả thiết, khi lái xe vô tình vận chuyển hành khách có mang theo hàng quốc cấm (ma túy, hàng lậu) trên xe, nếu lực lượng chức năng phát hiện, bản thân người lái xe mặc dù vô tình nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc vận chuyển hàng quốc cấm đó, vì anh ta không có bằng chứng chứng minh sự vô tội của mình.
Theo quy định mới, trên xe khách phải có khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”. |
Mặt khác, ở đây rõ ràng là có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước so với loại dịch vụ không nằm trong phạm vi quản lý (Uber). Các đơn vị kinh doanh vận tải taxi có nghĩa vụ đóng thuế và chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải như phải có người điều hành vận tải. Bên cạnh đó, phải có bộ máy và phương án kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động của phương tiện và trung tâm điều hành taxi, bộ phận ATGT.
Đồng thời, phải thực hiện các chế độ đối với người lao động và lái xe (khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…). Đặc biệt, họ cũng phải có trách nhiệm về cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, trong khi dịch vụ Uber lại không đăng ký và tuân thủ các quy định trên.Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã có các văn bản gửi các Bộ: Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp xử lý nội dung nêu trên.
Theo quy định mới, trên xe khách phải có khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”.
Theo đó, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam; đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tính hợp pháp của hoạt động phần mềm Uber tại Việt Nam.
Bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, từ tháng 12 này, Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cũng chính thức có hiệu lực. Theo đó, thông tư sẽ “nới lỏng” về mặt thủ tục kê khai giá cước cho các doanh nghiệp từ 6 dịch vụ xuống còn 3 dịch vụ; đổi mới về quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính từ 3 ngày lên 5 ngày; đồng thời quy định, biên độ biến động giá quá 3%, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai lại; trong phạm vi 3%, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.
Tuy nhiên, để tránh thiệt cho hành khách, quy định trong thông tư cũng nêu rõ: Trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thì tổ chức, cá nhân không được áp dụng mức giá kê khai hoặc phải thực hiện lại nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định.
Và để đảm bảo công bằng, ngày 1/12, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ nên hay không nên trong việc bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có hiện tượng xe trá hình, xe hợp đồng trá hình thành tuyến cố định bắt khách dọc đường, gây cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ gây rủi ro trên đường. Vì thế, vấn đề này đã được Bộ GTVT quan tâm tới và ban hành quy định thông qua Nghị định 86 quy định chi tiết về quản lý xe khách hợp đồng. Quy định mới nhất nằm ở chỗ, xe vận tải này, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo với sở GTVT về hành trình, điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Thông tin này thực hiện qua thư email. Qua việc này, sở GTVT sẽ dễ dàng quản lý thông tin chuyến đi. Còn nếu đi sai, thông qua thiết bị giám sát hành trình sẽ biết được, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chia sẻ thêm. Đồng thời, các xe kinh doanh vận tải hành khách cũng phải niêm yết khẩu hiệu “tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định. .
Ngoài vấn đề giá cước, chiều 1/12, lãnh đạo bộ GTVT còn cho biết thêm, Nghị định 107/2014/NĐ-CP mới được ban hành để bổ sung cho Nghị định số 171, đã tăng nặng mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức phạt vi phạm vượt trọng tải cho phép. Cụ thể, mức phạt cao nhất sẽ là 16-18 triệu đồng đối với cá nhân và 32-36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% quy định. (Trong khi đó, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP chỉ quy định phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi vi phạm này). Một điểm nổi bật trong Nghị định 107/2014 nữa là giảm thời gian tước giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể là không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX 1 tháng đối với hành vi chở vượt quá trọng tải cho phép từ trên 10% đến 40% đối với xe tải nhỏ hơn 5 tấn và trên 10% đến 30% đối với xe tải từ 5 tấn trở lên. Đối với hành vi vi phạm chở quá tải từ trên 40% đến 60% sửa đổi giảm tước GPLX từ 2 tháng xuống còn 1 tháng. Hiện tại, trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP đang quy định nếu vi phạm trên 40% đến 60% sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.
.