Có thể nói, việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động nơi xảy ra vụ án chính là phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho quần chúng nhân dân. Tại mỗi phiên tòa, sẽ có đông đảo người dân được nghe thông tin về các vụ án đang được xét xử và theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa.
Qua nghe thông tin về xét xử các vụ án, các văn bản pháp luật liên quan và quyết định của Hội đồng xét xử, người dân có thể tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật và đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng. Trong quá trình xét xử, thông qua từng vụ án cụ thể, Tòa án tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với pháp luật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật trong quần chúng nhân dân, tạo cho người dân có niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ đó, trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật, hình thành ở họ các tri thức pháp luật, làm cơ sở cho sự hiểu biết về pháp luật để làm chủ hành vi và lối sống theo pháp luật của mọi công dân.
Đối với các phiên tòa xét xử lưu động tại các phường, xã, nơi xảy ra vụ án, nơi thường trú của các bị can, bị cáo, thường thu hút rất đông cán bộ và các tầng lớp đến theo dõi trực tiếp phiên tòa. Bằng thái độ khách quan, công minh trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh tụng, mục đích cuối cùng của phiên tòa là tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng các nguyên tắc của quá trình xét xử.
Việc đưa các phiên tòa ra xét xử lưu động là một kênh rất quan trọng
trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân
trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân
Từ đó, làm cho người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục họ ý thức tuân thủ các quy phạm pháp luật mà Nhà nước đã đề ra, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo các chương, điều do Luật Hình sự hay Dân sự quy định. Cuối cùng đi đến phán quyết của Hội đồng xét xử thống nhất cao, ra được quyết định cho bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được người đến dự phiên tòa và các cơ quan công luận đồng tình ủng hộ.
Trong những năm qua, TAND tỉnh Nghệ An đã tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử lưu động, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm. Năm 2011, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động 342 vụ án và năm 2012 là 310 vụ án. Trong đó, tập trung xét xử lưu động các nhóm tội chủ yếu như cướp, cướp giật tài sản, ma túy, mại dâm, chống người thi hành công vụ...
Một số vụ điển hình như xét xử lưu động vụ án trộm tài sản quy mô lớn tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành đối với các bị cáo Phạm Xuân Quý, Trần Văn Phúc, Thái Hữu Hân, Trần Bá Sự, Hà Văn Lợi, Nguyễn Thành Lưu, Trần Phúc Dinh và Nguyễn Cảnh Đồng.
Hoặc 2 vụ án được TAND huyện Nam Đàn đưa ra xét xử ngày 12/3/2013 về các tội “Trộm cắp tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Văn Đa (SN 1981) trú tại xóm 8, xã Nghi Phú, thành phố Vinh và “Đánh bạc” đối với các bị cáo Hồ Sỹ Quế (SN 1962), Hồ Sỹ Ngọc (SN 1956) đều trú tại xóm Đa Cát, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử, đặc biệt là xét xử lưu động trong thời gian qua tại tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế. Biểu hiện ở số lượng vụ việc xét xử của một số tòa án cấp huyện chưa nhiều, chất lượng chưa cao.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và có ý nghĩa quan trọng của Tòa án. Ngoài việc tiến hành xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật tại trụ sở tòa án thì cần chú trọng việc mở các phiên tòa xét xử lưu động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong nhân dân.
Để có những phiên tòa xét xử lưu động thành công thì ngành tòa án cần có kế hoạch xét xử lưu động hàng năm, có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương trong công tác xét xử lưu động nhằm răn đe và đặc biệt để nâng cao được kiến thức hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho toàn cộng đồng.
Hoa Lê
.