Những năm gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ, các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng những “thủ thuật” của giới tội phạm mà ngay cả những chuyên gia cũng không ngờ tới.
Ngoài việc làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ, thẻ tín dụng giả rất tinh vi để lấy cắp tiền từ ngân hàng, thì một số thủ đoạn khác mà chúng thường sử dụng như: Dùng các thiết bị đặc biệt cài đặt sẵn vào các bốt ATM, khi khách hàng đến rút tiền thì sẽ bị kẹt thẻ trong máy ATM, với vai “người tốt bụng”, chúng sẽ tư vấn cho khách hàng các thao tác để lấy lại thẻ một cách dễ dàng. Sau khi đã có thẻ, chủ thẻ mừng rỡ cảm ơn “ân nhân” mà họ không ngờ rằng trong quá trình đó những thông tin cá nhân đã bị lấy cắp, một thời gian ngắn sau thì tài khoản của họ “không cánh mà bay”.
Một số trường hợp khác, các tổ chức tội phạm công nghệ cao quốc tế sử dụng Việt Nam làm trung gian để thực hiện hành vi phạm tội của chúng. Chúng sẽ cử người vào Việt Nam với các danh nghĩa khác nhau để mở các tài khoản ở Ngân hàng Việt Nam, sau đó đồng bọn của chúng ở nước ngoài sẽ đột nhập vào các Ngân hàng nước ngoài để thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản chúng đã mở ở Việt Nam để đối tượng ở Việt Nam rút tiền. Nhiều trường hợp khi ngân hàng nước bạn phát hiện yêu cầu ta phong tỏa tài sản thì chúng đã rút hết tiền trong tài khoản của mình.
Lãnh đạo phòng ANKT trao trả tài sản cho các nạn nhân bị lừa đảo
Những website của các ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp là một trong những đối tượng tấn công chủ yếu của các hacker, chúng sẽ đột nhập vào website của các ngân hàng để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, hoặc lấy cắp thông tin cá nhân để bán cho các đối tượng khác; hoặc chúng sẽ đột nhập chiếm lĩnh các email của doanh nghiệp sau đó gửi thư yêu cầu họ chuộc lại, với những email thường xuyên giao dịch thì chủ doanh nghiệp đành phải ngậm ngùi bỏ hàng tỷ đồng để chuộc lại…
Những trường hợp này, “người bị hại” thường ít báo cho cơ quan chức năng vì họ sợ sự việc lộ lọt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình. Nhiều trường hợp chúng gửi cảnh báo “Tài khoản của bạn đã bị tấn công” đến hàng loạt các khách hàng, một số người hoang mang sẽ hồi âm yêu cầu giúp đỡ, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau chúng tổ chức thu thập các thông tin cá nhân của những khách hàng này và sau đó dùng “kịch bản” đã chuẩn bị trước chúng sẽ đóng giả là cơ quan công an hoặc ngân hàng có uy tín để lừa “con mồi” chuyển tiền vào tài khoản mà chúng yêu cầu.
Và đương nhiên chúng đã có số tiền “béo bở” đó. Ngoài ra, với phương châm “góp gió thành bão”, các đối tượng lợi dụng việc bán hàng qua mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, bằng cách rao bán các món hàng với giá rất rẻ (có trường hợp chỉ bằng 30% giá trị thực) rất nhiều người hám lợi đặt mua, khi chúng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc và không một chút cảnh giác, khách hàng sẵn sàng chuyển tiền đặt cọc cho chúng mà không biết rằng chúng nhận tiền cọc rồi “chuồn mất”.
Tháng 6/2010, tại Nghệ An, Phòng An ninh kinh tế đã phát hiện có 3 đối tượng người nước ngoài sử dụng việc rút tiền qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đặt tại các nhà hàng để rút 1,3 tỷ VNĐ bất hợp pháp. Thủ đoạn của chúng là một đối tượng vào các nhà hàng có máy POS để thực hiện thanh toán, khi khách hàng thao tác trên máy POS thì đồng bọn đồng thời thao tác trên máy vi tính để cóp sẵn các thông tin cá nhân của các chủ tài khoản mà trước đó đã ăn cắp được để xâm nhập vào hệ thống Ngân hàng quốc tế và ăn cắp tiền trong tài khoản cá nhân. Số tiền ăn cắp đó sẽ được chuyển về tài khoản nhà hàng tại nơi đặt máy POS trên địa bàn, chủ nhà hàng sẽ rút tiền cho các đối tượng.
Rõ ràng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang hoạt động ngày càng tinh vi và mức độ, hậu quả khó lường hết. Để đấu tranh với loại tội pham này ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đòi hỏi phải có sự cảnh giác cao của quần chúng nhân dân.
Lê Xuân Hoài
.