Xây dựng NTM
Nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
(Congannghean.vn)-Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghệ An đã có nhiều giải pháp triển khai xuống các địa phương để đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí về văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn là 1 trong những tiêu chí quan trọng trong tiêu chí văn hóa gắn với nông thôn mới (Trong ảnh: Hội đồng thẩm định nông thôn mới tỉnh thẩm định 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa) |
Trong xây dựng NTM, mục tiêu cuối cùng chính là nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân. Nhằm thực hiện mục tiêu này, đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Đề án đưa ra 7 tiêu chí phát triển văn hóa NTM cấp xã, bao gồm: Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định; môi trường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, xã đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội; bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc; làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Thực tế đã chứng minh, việc thực hiện tiêu chí văn hóa (tiêu chí 6 và 16) gắn với xây dựng NTM không chỉ nâng cao đời sống vật chất mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa (cấp xã, thôn) được quan tâm, xây dựng; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, tổ dân phố gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát huy được vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, tham gia vào các phong trào của địa phương nơi cư trú. Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần được mở rộng, nhiều hủ tục đã dần được loại bỏ…
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tinh thần sáng tạo của người dân. Nhận thức của người dân được nâng lên, có ý thức tham gia các công trình xây dựng ở địa phương, trong đó có xây dựng đường giao thông, bảo vệ môi trường, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó, nhiều công trình văn hóa, thể dục - thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp tiền của, công sức và cả hiến đất đai của nhân dân, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc...
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương, tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm, song kém hiệu quả. Một số nhà văn hóa ít khi hoạt động, chỉ sử dụng vào những dịp lễ, Tết. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa có những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích. Đặc biệt, không ít di sản bị xâm hại do tác động của thiên nhiên và do các công trình xây dựng mới.
Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì tiêu chí văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa là 1 trong những tiêu chí thực hiện hoàn thành đã khó nhưng giữ vững lại càng khó hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, để giữ vững và nâng cao tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa nói riêng, các tiêu chí xây dựng NTM nói chung, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao, ý thức tự giác và nhất là ý thức văn hóa của người dân địa phương.
Đại Nghĩa