Xây dựng NTM
Xây dựng nông thôn mới theo hướng kiểu mẫu
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, bức tranh xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đã có nhiều mảng sáng, với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa, giáo dục… Song, đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cũ và thách thức mới mà các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực vượt qua để chương trình NTM thực sự trở thành “cuộc cách mạng” ở nông thôn.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân là một trong những yêu cầu của các địa phương đã về đích nông thôn mới |
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và hơn 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nông nghiệp, nông thôn Nghệ An đã ghi nhận những bước phát triển vượt bậc. Tỉnh đã hoàn thành 23/23 chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 26 ở cả 3 lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, doanh nghiệp ngày càng nhiều, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân. Tỉ lệ hộ nghèo, nhất là các huyện 30a giảm mạnh. Cùng với đó, hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường, ANTT được đảm bảo.
Ngày 5/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 691 về tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, làm cơ sở để các địa phương thực hiện. Trong 3 năm liên tục trước năm xét công nhận xã NTM kiểu mẫu, trên địa bàn xã không có khiếu kiện đông người trái pháp luật, không có công dân thường trú ở xã phạm tội, tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm, có mô hình điển hình về cải cách thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả… Theo đó, Nghệ An đang xây dựng NTM kiểu mẫu ở 3 xã Sơn Thành (Yên Thành), Kim Liên (Nam Đàn), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu); trong đó, Sơn Thành được công nhận là xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, do vẫn còn hộ nghèo nên thời gian tới, xã phải tập trung giải quyết tiêu chí này. Còn với 2 xã Kim Liên, Quỳnh Đôi cần đẩy nhanh việc thực hiện để đạt được các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người.
Chương trình xây dựng NTM đã bước vào giai đoạn 2 với nhiều nhiệm vụ mới, trong đó bao gồm cả những “điểm nghẽn” cũ và thách thức mới. Đối với các xã đã về đích NTM, yêu cầu đặt ra là tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, đảm bảo giữ gìn môi trường, xây dựng nền văn hóa tiên tiến. Về phía các xã đang trên chặng đường về đích, đặc biệt cần tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích mà cần có lộ trình, bước đi phù hợp, với phương châm những xã về đích sau, các tiêu chí chắc chắn hơn các xã về đích trước.
Quá trình xây dựng NTM, một yếu tố quan trọng cần được quán triệt thường xuyên là kết hợp giữa “xây” và “chống”. Bởi thực tế cho thấy, tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề về khí hậu, thiên tai với diễn biến cực đoan, khốc liệt. Để thích ứng, việc tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc xây dựng các mô hình kinh tế cần được chú trọng, đảm bảo phù hợp với thời tiết, mùa vụ, thị trường; đồng thời đảm bảo tính bền vững.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác là cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế, nông sản bản địa nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường… Thông qua việc nghiên cứu, hình thành chiến lược sản xuất và xây dựng thương hiệu. Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế đơn thuần mà còn hướng tới mục tiêu mang tính bền vững là gìn giữ các giá trị truyền thống về hình thức sản xuất và các sản phẩm nông sản đặc thù của từng địa phương. Bởi, sự khác biệt giữa các địa phương trong xây dựng NTM chính là nét văn hóa riêng, cần trân trọng, duy trì thành nền tảng cho các lĩnh vực khác phát triển bền vững.
Đề cao và chú tâm thực hiện các tiêu chí về kinh tế, y tế… trong xây dựng NTM cũng không thể bỏ qua hay xem nhẹ vấn đề an ninh, an sinh xã hội. Bởi sẽ “không đẹp” khi vẫn còn những hiện tượng trộm, cướp, thiếu việc làm, nghèo đói… Suy cho cùng, mục tiêu và đích đến của chặng đường xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, để “không có người dân nào bị bỏ lại phía sau”; đồng thời, hướng đến xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thùy Dương