Thời gian qua đặc biệt sự quan tâm của Huyện ủy, UBND Huyện Hương Khê, sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn thể ban nghành UBND xã nên công cuộc kiết thiết đổi mới trên toàn xã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng lên một bước.
Trụ sở xã Hương Long đã xuống cấp
Ông Mai Văn Kiều, Chủ tịch UBND xã Hương Long cho biết: Xã nằm ở trung tâm của huyện Hương Khê, giáp thị trấn Hương Khê về phía Tây Bắc và cách TP Hà Tĩnh 40 km về phía Tây Nam; có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Tổng diện tích tự nhiên của xã 1.472,4 ha; trong đó đất nông nghiệp 1.086,26 ha; đất phi nông nghiệp 293,86 ha; đất chưa sử dụng 92,28 ha; cơ sở kinh tế và hạ tầng kỹ thuật đã có những cải thiện đáng kể, đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa, trường Trung học cơ sở và trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2.
Ông Lê Khắc Định - Bí thư Đảng ủy xã |
Hiện nay toàn xã có 1.171 hộ với 3.957 nhân khẩu, được chia thành 14 xóm. Tốc độ tăng dân số tự nhiên năm 2010 là 1,02 %. Cơ cấu theo độ tuổi như sau: Tổng số lao động toàn xã có 1.794 người, phân theo độ tuổi: Từ 18 đến 45 tuổi có 1.234 người; trên 45 tuổi có 560 người. Số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2010: 1.669 người; trong đó lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 1.657 lao động, chiếm 92,3%. Lao động trong tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ là 120 người, chiếm 7,3% tổng lao động; có 4 lao động đi xuất khẩu, 16 lao động đi làm việc ngoại tỉnh. Tổng số hộ toàn xã 1.171 hộ, trong đó số hộ làm nông nghiệp 819 hộ, chiếm 70%, số hộ hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 67 hộ, chiếm 5,7 %; dịch vụ - thương mại 138 hộ, chiếm 11,8%; số hộ hưu trí, giáo viên 147 hộ, chiếm 12,6%.
Ông Mai Văn Kiều - Chủ tịch UBND xã |
Thực hiện nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ về giao đất sản xuất nông nghiệp, đến nay xã đã giao được 211,1 ha đất trồng cây hàng năm cho các hộ dân, đạt 64,22%; 226,6 ha đất vườn, đạt 80,7%; đất ở 36,1 ha, đạt 100%. Riêng đất lâm nghiệp do mới chuyển quyền sử dụng từ các đơn vị lâm nghiệp đóng trên địa bàn về cho địa phương nên chưa tiến hành giao được cho hộ dân.
Toàn xã có 13 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 16,275 km, trong đó có 4,5 km đường nhựa, mặt đường nhựa 3,5m, nền đường 5m, mới được nâng cấp, do tổ chức OPEC tài trợ và 0,43 km đường bê tông mới làm, mặt đường 3m chất lượng còn tốt, chiếm 25,1%; có 2,83 km đường bê tông 2,5 – 3 mét chất lượng thấp, chiếm 16,7 %; còn lại 9,22 km đang là đường đất, khẩu độ nhỏ. Đường giao thông nội thôn có 48 tuyến với tổng chiều dài 19,74 km và 47 tuyến đường liên gia dài 8,366 km, trong đó: đường bê tông đảm bảo tiêu chuẩn 2,0km (mặt đường 3,0m, rải bê tông hoặc nhựa), chiếm 7,2%, đường bê tông xuống cấp, khẩu độ nhỏ 6,71 km, chiếm 24,2%, đường đất dài 19,4 km, chiếm 68,5%. Toàn xã có tổng số 13 cầu trên các tuyến đường liên xã và liên thôn, trong đó 8 cầu bê tông, còn lại là cầu gỗ, trong đó có 3 cây đã bị lũ năm 2008 cuốn trôi.
Một góc xã Hương Long
Trên hệ thống đường trực thôn có Cửa Kỳ đã bị lũ cuốn trôi năm 2008, còn lại chủ yếu là cống bê tông, khẩu độ nhỏ, chất lượng không đảm bảo cho xe có trọng tải trên 4 tấn qua lại. Các tuyến đường giao thông do xã và các xóm quản lý đã cứng hóa được 16,46 km, đạt 37% nhưng hiện đã có nhiều tuyến xuống cấp, các tuyến đường ngõ thôn còn hẹp đi lại còn nhiều khó khăn.
Tổng số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng điện là 1.128 hộ, đạt 98%. Lưới điện chiếu sáng: Hiện nay xã chưa có mạng lưới chiếu sáng công cộng. Lưới điện hiện nay phần lớn đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn trong vận hành và sử dụng, công suất cao trạm biến áp không đủ phục vụ cho phụ tải, một số xóm ở xa điện áp thấp và không ổn định.
Sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp
Trong lúc đó, xã chưa có công trình cấp nước sạch. Nguồn nước cấp cho sinh hoạt là nước ngầm và nước mưa. 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt bằng hình thức chủ yếu là giếng đào, giếng khoan và nước mưa. Trong đó 573 hộ gia đình sử dụng các nguồn nước có qua bể lọc, đảm bảo hợp vệ sinh, đạt 48%. Xã chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước thải chủ yếu được các hộ dân tự xử lý bằng cách cho tự thấm xuống đất hoặc thải trực tiếp theo rãnh thoát vào mương tiêu.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính bị ảnh hưởng bởi xã chưa có phòng làm việc một cửa mà làm chung trong phòng làm việc của Văn phòng UBND Xã. Toàn xã hiện có 4 trường học với 39 phòng học, trong đó: 2 trường mầm non có 13 phòng, 1 trường tiểu học có 12 phòng, 1 trường trung học cơ sở có 14 phòng. Tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 87%, bán kiên cố chiếm 13%. Trạm y tế xã có 1 Bác sỹ, 2 y sỹ, 3 y tá, 1 hộ sinh do nhà nước trả lương. Hàng năm điều trị khoảng 2.700-2.800 lượt người bệnh. Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 năm 2007.
Nhiều hộ phát triển kinh tế vườn đồi nhưng hiệu quả chưa cao
Hương Long chưa có nhà văn hóa, trung tâm thể thao mà chỉ có 1 sân bóng đá. Hiện nay 14/14 xóm đã có nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa thôn đều chưa có tường rào, cổng, cây xanh, một số nhà làm trước đây quy mô nhỏ và đã xuống cấp. Trên địa bàn xã có chợ Đón đặt tại trung tâm xã với quy mô diện tích mặt bằng 2.500 m2, được xây dựng năm 2007 thuộc loại công trình cấp 4B. Mặc dù được bố trí gần ngã ba đường LX6 (đường Long Xuân) và TL16, thuận tiện cho giao thương, buôn bán nhưng chợ hiện còn thiếu nhiều hạng mục như: Bãi gửi xe, nơi tập trung rác trong ngày, nguồn nước sạch, nhà vệ sinh công cộng. Việc kinh doanh buôn bán trong chợ vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, hàng hóa ít chưa đáp úng được nhu cầu phát triển chung của xã.
Toàn xã có 94 nhà ở kiên cố (đảm bảo có đầy đủ bếp, giếng nước, nhà vệ sinh, hố rác), chủ yếu là nhà gỗ, xây tường bao, chiếm 7,9%. Số nhà bán kiên cố có 944 nhà, cấu trúc nhà gỗ lợp ngói, vách gỗ hoặc tre nứa, chiếm 79,1 %. Số nhà tạm có 156 nhà, tập trung vào các hộ nghèo, cô đơn, già cả, chiếm 13,0 %. Đường nội đồng toàn xã có tổng chiều dài 25,4 km đang là đường đất, mặt đường ghồ, ghề, đi lại còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân.
Hương Long rất cần được đầu tư, nhất là cơ sở vật chất
Việc chuyển đổi ruộng đất chưa được làm triệt để nên còn manh mún, bờ vùng phần lớn chưa có, bờ thửa hẹp, cong, nhiều cây bụi nên việc đưa cơ giới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển vật tư phân bón và thu hoạch sản phẩm chủ yếu bằng thủ công là chính. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã hiện đã có đập Họ có dung tích 1,6 triệu m3 do Công ty Thủy lợi Hương Khê quản lý và 5 hồ đập nhỏ do địa phương quản lý, ngoài ra còn có hệ thống kênh tưới của công trình thủy lợi Sông Tiêm đảm bảo cơ bản nhu cầu nước tưới cho cây lúa.
Hệ thống kênh tưới chính phần lớn đã được cứng hóa nhưng kênh nhánh thì số đã cứng hóa phần lớn xuống cấp không phát huy tác dụng, số còn lại là kênh đất hoặc dùng mương tiêu làm kênh tưới nên việc tưới nước cho cây lúa gặp khó khăn, cây màu thì hầu như chưa được tưới. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 3 tuyến kênh tưới do Công ty thủy lợi Hương Khê quản lý là Kênh Bắc, kênh N1và kênh B4 thuộc hệ thống Sông Tiêm, với tổng chiều dài 8.250 m, đã được cứng hóa 100% và 9 tuyến kênh do địa phương quản lý với chiều dài 11.150m, đã được cứng hóa 4.640m, chiếm 41,6%. Tuy nhiên, kênh tưới bê tông hiện nay hầu hết đã xuống cấp hư hỏng nặng.
Để phục vụ tốt cho nhiệm vụ cung cấp nước sản xuất cần phải tiếp tục xây dựng kênh tưới bằng bê tông cho tất cả các tuyến còn lại và nâng cấp các tuyến đã xuống cấp. Hệ thống tiêu úng chính trên địa bàn xã hiện nay chủ yếu là các khe suối nhỏ và tiêu theo hình thức tự nhiên. Hệ thống mương tiêu trên địa bàn chưa được chú trọng, dọc các tuyến đường có mương tiêu nhưng nhiều tuyến đã bị lấp vùi.
Những đặc điểm trên và những thực trạng khó khăn toàn diện khiến Hương Long gặp nhiều khó khăn trong XDNTM. Trước mắt, xã rất cần các cấp ngành đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thết yếu, các chương trình dự án, hỗ trợ KHKT, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhằm thực hiện thành công thắng lợi 19 tiêu chí/ 39 nội dung đề ra về xây dựng nông thôn mới .
Thái Sơn
.