Theo nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thiên thể này xuất hiện trước 100 triệu năm so với đa số suy đoán trước đây.
Các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Địa chất học thuộc Trường Đại học Cologne (Đức) đã công bố kết quả phân tích một số vật thể thu được từ các chuyến bay Apollo vào những năm 1960, trong đó nổi bật là chuyến Apollo 11 và 12.
Bằng việc phân tích hàm lượng 2 nguyên tố hafni và volfram có trong đất đá lấy từ Mặt trăng, nhóm nghiên cứu xác định chúng có tuổi đời khoảng 50 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời hình thành.
Hafni và volfram thường được xem là "đồng hồ phóng xạ tự nhiên" của Mặt trăng, giúp đo được các chỉ số về địa chất học của thiên thể này.
Từ đó, các nhà khoa học suy ra thời gian xuất hiện của Mặt trăng là khoảng 50 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời ra đời. Có nghĩa là, nếu Hệ Mặt trời hiện nay được cho là 4,56 tỉ năm tuổi, thì Mặt trăng có "tuổi đời" là 4,51 tỉ năm tuổi.
Khoảng thời gian này sớm hơn 100 triệu năm so với những tài liệu trước đây khi cho rằng Mặt trăng xuất hiện sau sự kiện Hệ Mặt trời ra đời 150 triệu năm.
Theo giả thuyết về quá trình hình thành Mặt trăng, khoảng 150 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời ra đời, hành tinh Theia có kích thước bằng sao Hỏa va chạm với Trái đất. Vụ va chạm khiến Theia và một phần của Trái đất tan chảy, quay quanh Trái đất đến khi nguội đi và hợp thành Mặt trăng. Thời điểm diễn ra vụ va chạm vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.
Việc xác định độ tuổi của Mặt trăng có ý nghĩa quan trọng bởi thông tin này giúp chúng ta tìm hiểu độ tuổi của chính Trái đất. Nghiên cứu này chỉ có thể thực hiện với đá Mặt trăng bởi chúng gần như không thay đổi kể từ thời điểm hình thành. Trong khi đó, đá trên Trái đất đã trải qua hàng loạt quá trình địa chất trong hàng tỷ năm, không còn lưu giữ những thông tin hữu ích cho nghiên cứu.
.