(Congannghean.vn)-Những năm qua, Nghệ An đã ghi nhận nhiều sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực khác nhau, được các cấp có chuyên môn công nhận. Tuy nhiên, việc áp dụng các sáng kiến này vào thực tế để đạt được hiệu quả như mong muốn vẫn chưa nhiều. Đây cũng là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Quang Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc nghiên cứu khoa học thời gian qua |
Nhiều thành tựu nổi bật
Chỉ tính riêng năm 2015, Nghệ An đã có 28 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai thực hiện, áp dụng vào đời sống. Và, nếu tính trong 3 năm (từ năm 2013 - 2015) thì trên địa bàn có tổng số 102 đề tài, dự án do Sở KH&CN quản lý.
Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh có 40/74 đề tài, dự án KH&CN triển khai vào năm 2013, 2014 đã được nghiệm thu, áp dụng vào thực tiễn. Nhiều đề tài KH&CN đã thực sự ghi dấu ấn trên các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y dược…
Cụ thể như các đề tài: Ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An; Thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất than quả bàng từ nguyên liệu than cám 3C thay thế kíp lê 4B trong quy trình sản xuất gạch ngói.
Cũng trong năm 2015, Hội đồng xét thưởng cấp tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh khen thưởng 12 công trình của các tập thể, cá nhân trong việc triển khai ứng dụng đề tài KH&CN vào thực tiễn.
Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều thành tựu khoa học nổi bật, ghi đậm dấu ấn trong thực tiễn. Nhiều đề tài, dự án khoa học đã khẳng định sự sáng tạo vượt bậc của các tập thể, cá nhân và các cơ quan, đơn vị… Trong đó phải khẳng định rằng, sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp đối với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật có vai trò rất lớn.
Trong năm 2016 này, sau khi được tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển KHCN trên 6 lĩnh vực cơ bản, Sở KH&CN sẽ chú trọng thực hiện 4 lĩnh vực chính gồm: Ưu tiên hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung hỗ trợ phát triển khu vực miền Tây Nghệ An; phát triển công nghệ sinh học; ưu tiên phát triển các sáng tạo trong lĩnh vực y dược.
Nâng cao hiệu quả ứng dụng
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, thời gian qua, hiệu quả của việc ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học mới chỉ đạt 60 - 65%, riêng Nghệ An là 65 - 70%. Nguyên nhân được đưa ra là do công tác thực hiện cơ chế đặt hàng trực tiếp từ các huyện, ngành và các doanh nghiệp để gắn với việc sử dụng kết quả nghiên cứu khi đề tài, dự án kết thúc chưa nhiều.
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các đề tài, dự án còn dàn trải nên nguồn lực đầu tư bị phân tán, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, do hoạt động nghiên cứu khoa học mang đặc trưng là độ trễ lớn nên một số đề tài sau khi nghiên cứu xong từ 2 - 3 năm mới phát huy hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, việc tăng cường cơ chế đặt hàng trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh, các ngành, huyện và doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học gắn với việc sử dụng kết quả của các đề tài, dự án với thực tiễn là điều cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh và các ban, ngành cũng cần ưu tiên những đề tài nghiên cứu phát triển các sản phẩm theo chuỗi từ khâu giống, quy trình nuôi trồng, thu hoạch sản phẩm, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Và, việc ưu tiên các đề tài, dự án có gắn kết với doanh nghiệp ứng dụng kết quả phát triển thành sản phẩm hàng hoá là điều cần thiết.
Tại hội nghị triển khai công tác KHCN vào tháng 1/2016, đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả trong việc sáng tạo KHCN thời gian qua của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc đối với các đề tài, dự án KHCN khi triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chất lượng của các đề tài chưa cao, dẫn đến hiệu quả ứng dụng còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành cần phải có giải pháp trong công tác nghiệm thu đề tài, dự án KHCN để nâng cao hiệu quả khi ứng dụng vào thực tiễn.