Thứ Ba, 10/11/2020, 08:23 [GMT+7]

Chủ động bình ổn thị trường Tết dịp cuối năm

(Congannghean.vn)-Cuối năm cũ, đầu năm mới là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Bình ổn thị trưởng, chủ động đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu đang là mục tiêu của các ngành chức năng và nhiều địa phương.
Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng người dân tăng cao
Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng người dân tăng cao
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá về điều hành giá cả những tháng còn lại năm 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.
 
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa giữa các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng sớm hồi phục. Kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 ở mức dưới 3%. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu quay trở lại, Bộ Công Thương yêu cầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh. Qua đó, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
 
Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Chúng ta là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, áp dụng cách ly toàn xã hội. Tuy nhiên, để chủ động đảm bảo thị trường, các địa phương, ngành liên quan, nhất là Sở Công Thương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo bình ổn thị trường. Trong đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
 
Mặt khác, phải chủ động tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá. Trước sự phát triển của buôn bán hàng online, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 đã ban hành Kế hoạch số 399/KHBCDD389 ngày 10/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
 
Những năm qua, đặc biệt là vào các tháng cuối năm, các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa. Các mặt hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn và dần chiếm lĩnh thị trường. Cùng với chuẩn bị nguồn hàng, các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, với giá ưu đãi nhằm "hút" khách, kích cầu tiêu dùng. Các ngành liên quan đã thường xuyên khảo sát, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định; cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa bảo đảm số lượng, chất lượng; phối hợp với các đơn vị cơ sở chăn nuôi có phương án bảo đảm nguồn cung thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn…Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
.

Tuệ Trang - Như Biển

.