(Congannghean.vn)-Mỗi phụ huynh khi mở tài khoản của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngoại trừ năm đầu tiên miễn phí, những lần giao dịch chuyển khoản sau, ngân hàng này thu 2.200 đồng/lần và hàng tháng thu 11.000 đồng phí duy trì dịch vụ. Trong khi, nhiều ngân hàng khác các dịch vụ này đều miễn phí, nhưng Vietcombank vẫn được chọn thí điểm thu học phí không dùng tiền mặt.
Chủ trương đúng, triển khai áp đặt
Phụ huynh không phản đối chủ trương không dùng tiền mặt, nhưng chưa đồng tình với cách triển khai |
Năm học 2020 - 2021, giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) gửi tin nhắn thông báo cho phụ huynh cài phần mềm Sisap để thanh toán học phí cho con. Với điều kiện phụ huynh phải có tài khoản của Ngân hàng Vietcombank, được miễn phí cho những lần thanh toán học phí trong năm đầu tiên. Đối với phụ huynh chưa sử dụng ngân hàng trên, sẽ được hỗ trợ mở tài khoản. Riêng trường hợp thanh toán khác ngân hàng sẽ tính phí với mức tiền bằng 0,08%/món. Cũng không riêng gì Trường THCS Hà Huy Tập mà một số trường khác trên địa bàn TP Vinh cũng đã triển khai chủ trương này.
Thậm chí, tại nhiều trường, Vietcombank Nghệ An còn giao cho các giáo viên chủ nhiệm bộ hồ sơ về việc mở tài khoản và bản đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng này để khi phụ huynh đến trường đón con, giáo viên phát cho mỗi phụ huynh một bộ hồ sơ. Việc làm này được hiểu là áp đặt, bắt buộc khiến không ít phụ huynh bức xúc, phản ứng quyết liệt.
Được biết, để sở hữu tài khoản của Vietcombank, mỗi phụ huynh sẽ được miễn phí trong những lần giao dịch năm đầu tiên, nhưng sau đó, mỗi lần chuyển khoản ngân hàng này sẽ thu phí 2.200 đồng/lượt. Đó là chưa kể, hằng tháng phụ huynh phải bỏ phí ra để duy trì thẻ. Thậm chí, tại một số trường học, học phí không được chuyển khoản một lần mà chia làm hai đợt. Việc này, theo nhiều phụ huynh mục đích là để phía ngân hàng tăng việc thu phí dịch vụ. Điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là hiện nay có rất nhiều ngân hàng, miễn phí từ các dịch vụ đến phí duy trì, kể cả phí mở tài khoản. Trong đó, có thể kể đến như Ngân hàng Viettinbank, Techcombank, Hdbank, SHB, VPBank… miễn phí giao dịch chuyển khoản; các ngân hàng BIDV, Techcombank, SHB, LienvietPostbank… miễn phí phí duy trì dịch vụ hàng tháng nhưng không được tham gia lựa chọn vào việc triển khai thí điểm cung cấp các giải pháp không dùng tiền mặt liên quan đến thanh toán phí và lệ phí dịch vụ hành chính công trên cổng dịch vụ công.
Trong khi, Vietcombank là ngân hàng có mức thu phí, duy trì dịch vụ cao nhất trong tất cả các hệ thống ngân hàng hiện nay. Cụ thể, phí giao dịch chuyển khoản nội mạng của ngân hàng này hiện nay là 2.200 đồng/lượt; phí duy trì dịch vụ 11.000 đồng/tháng. Một phép tính đơn giản được đưa ra, là nếu tất cả các phụ huynh trên địa bàn TP Vinh và TX Cửa Lò (hai địa phương đang chọn thí điểm) cùng mở và sử dụng dịch vụ của Vietcombank thì mỗi tháng, phía ngân hàng này đã thu về hàng trăm triệu đồng tiền phí giao dịch, phí duy trì dịch vụ.
Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, ngày 5/6/2020, Vietcombank Nghệ An có Văn bản 423 đề xuất thu hộ phí dịch vụ hành chính công, ngày 11/6/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản 3644, thống nhất chủ trương để Vietcombank Nghệ An là một trong các đơn vị triển khai thí điểm cung cấp các giải pháp không dùng tiền mặt liên quan đến thanh toán phí và lệ phí dịch vụ hành chính công trên cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa của tỉnh kết nối với Cổng thông tin điện tử Quốc gia trên địa bàn Nghệ An. Tiếp đó, ngày 14/7/2020, Vietcombank Nghệ An có Công văn số 554, về việc tài trợ triển khai giải pháp phần mềm thanh toán và quản lý dữ liệu đóng học phí cho các trường học trên địa bàn TP Vinh. Trên cơ sở này, ngày 29/7, UBND TP Vinh đã có Văn bản 4199, đồng ý tiếp nhận gói tài trợ miễn phí phần mềm quản lý khoản thu do Công ty CP Misa cung cấp cho tất cả các trường học trên địa bàn và chi phí học tập, tập huấn, chuyển giao ứng dụng phần mềm, 10 triệu đồng mỗi trường.
Ngoài tin nhắn, phụ huynh còn được phát hồ sơ mở tài khoản Vietcombank nên được hiểu là áp đặt |
Cần công khai, minh bạch và có sự cạnh tranh
Ngay sau khi sự việc thu hộ học phí qua Ngân hàng Vietcombank được thông báo rộng rãi, nhiều phụ huynh đã phản ứng, cho rằng ngoài việc phải chịu mức phí cao, phụ huynh còn cho rằng việc triển khai chỉ nộp tiền qua Vietcombank là áp đặt, cách làm thiếu công khai, minh bạch. Nhà trường cần thông báo công khai từ đầu năm học, họp phụ huynh phải đưa ra để thảo luận, lắng nghe ý kiến. Phía chính quyền cũng phải thông báo rộng rãi, thậm chí kêu gọi công khai để các ngân hàng khác biết chủ trương này, qua đó có sự cạnh tranh với nhau, ngân hàng nào nhiều ưu đãi, mang lại lợi ích nhiều hơn cho phụ huynh thì phải được lựa chọn.
Trước sự phản ứng này, đến ngày 20/9, tin nhắn hướng dẫn phụ huynh mở tài khoản Vietcombank đã bị thu hồi, thay vào đó là tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm, nội dung cho biết, phụ huynh không bắt buộc phải mở tài khoản tại Vietcombank để thanh toán học phí, mà chỉ cần sử dụng app Sisap sau đó lấy mã QR và vào Banking của ngân hàng mình đang sử dụng quét mã QR để thanh toán học phí cho con mình. “Đây hoàn toàn là sự lựa chọn tuỳ thuộc vào phụ huynh chứ không hề bắt buộc. Phụ huynh không có tài khoản ngân hàng nào cả và không muốn mở tài khoản ngân hàng vẫn có thể nộp ở kế toán nhà trường hoặc đưa tiền lên quầy giao dịch của Vietcombank để nộp” nội dung tin nhắn cho biết.
Thu phí không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn, được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Cụ thể, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ cũng đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 như học phí, viện phí, điện, nước, môi trường...
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, tại Nghệ An, từ năm 2019, Sở GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều công văn gửi các trường học, yêu cầu đẩy nhanh vấn đề này. Do vậy, phụ huynh cũng không phản đối việc thu hộ học phí và các khoản thu qua ngân hàng. Tuy nhiên, điều mà các phụ huynh cần ở đây là sự công khai, minh bạch và không áp đặt, phụ huynh có quyền lựa chọn ngân hàng mà mình muốn giao dịch để có có thể thụ hưởng những tiện ích tốt nhất. Điều này, việc triển khai thu hộ trong các trường học thông qua Vietcombank trên địa bàn TP Vinh trong thời gian vừa qua, dường như cả về phía chính quyền, nhà trường và ngân hàng, lại chưa mang lại được cho phụ huynh.
.