Thứ Hai, 05/10/2020, 08:27 [GMT+7]

Bước chuyển từ nông thôn mới

(Congannghean.vn)-Xác định xây dựng nông thôn mới có khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, những năm qua, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, nông thôn mới tại Nghệ An đã có bước chuyển mình  mạnh mẽ, tạo nền tảng quan trọng để tỉnh nhà thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Các lớp tập huấn, tuyên truyền góp phần hoàn thiện kỹ năng cho người nông dân trong xây dựng nông thôn mới
Các lớp tập huấn, tuyên truyền góp phần hoàn thiện kỹ năng cho người nông dân trong xây dựng nông thôn mới
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), chương trình xây dựng nông thôn mới được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt nhiều thành tựu. 
 
Tại mỗi địa phương, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong nhân dân. Nhờ đó, chính bà con ý thức rõ, mình là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được thụ hưởng từ những chính sách ban hành, kế hoạch triển khai. Không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, dân tộc, mỗi người dân lại cùng chung tay để dựng xây khối xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Điển hình tại huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Quy Hậu, xã Kỳ Tân là đồng bào công giáo đã sẵn sàng ủng hộ 300 triệu đồng để làm đường bê tông nông thôn, trong khi điều kiện kinh tế gia đình chưa phải là khá giả. Nhiều mô hình đã huy động sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp: “Tuyến đường phụ nữ tự quản, chung tay xây dựng nông thôn mới”, “5 không 3 sạch”, “Đoàn viên thanh niên xây dựng bộ mặt nông thôn xanh-sạch-đẹp”…
 
Dựa trên đặc thù của từng địa phương, mỗi xã đã có những mô hình sản xuất mới, sạch, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Song song với tổ chức nhiều lớp dạy nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tập trung phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, các huyện, thành, thị còn tăng cường các hình thức hỗ trợ vốn vay cho hội viên để họ có điều kiện phát triển sản xuất, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo. Tại tỉnh ta, dù triển khai không sớm nhưng 1 năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo những chuyển biến rõ rệt, hứa hẹn tạo đột phá cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện, các ngành liên quan đang tập trung xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối năm nay nhằm “chắp cánh” cho OCOP. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt, phải được thực hiện liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đang là mục tiêu của các cấp chính quyền địa phương. Khi đã đạt nông thôn mới, cấp ủy và người dân lại không bằng lòng mà tiếp tục sôi nổi với phong trào thi đua xây dựng nông thôn kiểu mẫu với nhiều cách làm hay hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong đó, quá trình đô thị hóa phải gắn liền với giữ gìn bản sắc quê hương, các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế đảm bảo đầu tư đồng bộ, liên thông và ứng phó biến đổi khí hậu; hướng tới lợi ích thiết thực lâu dài của người dân và sự phát triển toàn diện, có chiều sâu bền vững, kết nối với đô thị. 
 
Năm 2020, Nghệ An phấn đấu có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên 295 xã, tương đương 68,4% số xã trong toàn tỉnh. Đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trên toàn tỉnh. Song hành với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm cần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương, tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tránh bê tông hóa, cứng hóa làng quê. Vì thế, việc “định hình” những làng quê kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu là rất cần thiết, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm với các kế hoạch, nội dung để phù hợp với thực tế. Quá trình thực hiện, việc ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành sẽ góp phần gia tăng sức mạnh của các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.
.

TUỆ TRANG

.