Thứ Năm, 01/10/2020, 07:07 [GMT+7]

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

(Congannghean.vn)-Năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã ký ban hành Chỉ thị số 25 ngày 11/8 về việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, trong đó đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả.
Cần đẩy mạnh khai thác và phát triển các thương hiệu, đặc sản địa phương
Cần đẩy mạnh khai thác và phát triển các thương hiệu, đặc sản địa phương
Liên quan đến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong tỉnh, trong nước, khu vực và quốc tế; xác định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 khoảng 8,5 - 9,5%. Các sở, ban, ngành và địa phương, căn cứ tình hình thực tế xây dựng phương án tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương hợp lý, phù hợp. Các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung đó là, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế mới ứng dụng công nghệ số... 
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, khơi dậy nội lực; phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thành viên trong hợp tác xã; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp... Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt...
 
Cùng với đó, tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, nông thôn... Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
 
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm chăm sóc đến các đối tượng yếu thế, đối tượng cần bảo trợ, đảm bảo đời sống cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao đời sống nhân dân... Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số... Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên, các sở, ban, ngành và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021. Cơ chế, giải pháp, chính sách phải đảm bảo sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương.
 
Về yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH của cả nước và của tỉnh; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và bảo đảm tính kết nối vùng, kết nối với các địa phương lân cận. Đồng thời, cần bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; bảo đảm sự kế thừa những thành quả đã đạt được, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
 
Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải đảm bảo tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cần phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đồng thời, kế hoạch phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và các địa phương.
.

Thùy Dương

.