Thứ Ba, 06/10/2020, 07:39 [GMT+7]

Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách khoa học, hợp lý

(Congannghean.vn)-Việc lập dự toán ngân sách Nhà nước nhằm tạo ra khuôn khổ tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo căn cứ cho việc điều hành thu, chi ngân sách đảm bảo khoa học và hợp lý. Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 25 về việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2021 - 2023.
Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động                                 của dịch COVID-19
Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19
9 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.059 tỉ đồng, bằng 72,68% dự toán cả năm và giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 10.259 tỉ đồng, bằng 76,47% dự toán và tăng 2,30%; thu từ doanh nghiệp Trung ương ước đạt 371 tỉ đồng, giảm 27,59%; thu từ doanh nghiệp địa phương ước đạt 81 tỉ đồng, giảm 14,42%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 161 tỉ đồng, giảm 7,76%; thu từ khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 3.012 tỉ đồng, bằng 59,41% dự toán, giảm 15,11%.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động lớn tới nền kinh tế khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước đối diện với nhiều thách thức, tại Chỉ thị số 25, UBND tỉnh yêu cầu việc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 phải căn cứ khả năng thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách năm 2020, định hướng kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 cũng như dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2021 đối với từng ngành, lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế trên địa bàn, những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo chế độ. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế… Năm 2021, dự báo kinh tế chậm phục hồi do hậu quả của đại dịch COVID-19. Vì thế, việc xây dựng dự toán ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách cần có những phân tích chặt chẽ, có thể sẽ có những ngoại lệ, không tuân theo ‘quy luật’ năm sau cao hơn năm trước như lâu nay.
 
Liên quan đến lĩnh vực chi ngân sách, 9 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.824 tỉ đồng, bằng 73,10% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 5.540 tỉ đồng, bằng 84,05% dự toán; chi thường xuyên 13.837 tỉ đồng, bằng 68,92% dự toán. Chi thường xuyên chủ yếu tập trung vào chi lương và các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động có tính chất thường xuyên của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, chi chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế.
 
Theo đó, các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 1.331 tỉ đồng, bằng 67,79% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo 5.752 tỉ đồng, bằng 67,16% dự toán; chi sự nghiệp y tế 1.705 tỉ đồng, bằng 74,06%; chi quản lý hành chính 2.605 tỉ đồng, bằng 71,08% dự toán, chi đảm bảo xã hội 785,6 tỉ đồng, bằng 67,05% dự toán; chi dự phòng để chống dịch COVID-19 446,9 tỉ đồng, bằng 100% dự toán. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, đối với dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021, phải căn cứ vào nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, trên cơ sở mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của địa phương.
 
Đặc biệt, trong thời điểm nguồn lực còn hạn chế, cần thu hút dự án lớn nhằm góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu; cần tập trung nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách... đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Do vậy, các ngành và địa phương cần quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần thực hiện năm 2021, lập dự toán chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách Nhà nước, trong đó chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác...
 
Thiết nghĩ, để đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả ngân sách Nhà nước, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên… là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
.

Thùy Dương

.