(Congannghean.vn)-Qua 6 năm thực hiện Đề án đổi mới phát triển Hợp tác xã (HTX) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, hiệu quả hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, từ mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình hoạt động đến tham gia nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Qua 6 năm triển khai Đề án đổi mới phát triển HTX tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, năng lực của các HTX ngày càng được nâng cao, tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX cơ bản đúng với quy định của Luật HTX năm 2012. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của khu vực HTX khoảng 10 - 15%. Đến nay, toàn tỉnh có 780 HTX, trong đó có 419 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả (chiếm 53,72%); 319 HTX hoạt động trung bình, chiếm 40,80%; 42 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thấp. Toàn tỉnh có 335 HTX/335 xã, phường có HTX hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới, chiếm 72,82% tổng số xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm của các HTX tại các hội chợ, triển lãm thương mại… được người tiêu dùng ưa chuộng |
Sau chuyển đổi, các HTX đã mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh với phương châm kinh doanh dịch vụ tổng hợp đa ngành, làm lợi cao nhất cho thành viên. Nhiều HTX đã thực hiện sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Hoạt động của 59 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 153 xã đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn. Trong giai đoạn 2014 - 2020, Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương hàng năm tổ chức, hỗ trợ cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại do các bộ, ngành và địa phương tổ chức; gắn quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với công tác xúc tiến thương mại, giúp các HTX tìm kiếm thị trường, đối tác, mở rộng thị trường.
Có thể kể đến một số HTX tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc với việc áp dụng tiến bộ khoa học, giống mới cũng như kết nối với các doanh nghiệp để chế biến và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn, hoa các loại trong nhà lưới. Một số HTX áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (Yên Thành) đã dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ từ khâu bắc mạ khay, làm đất, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch đến thu mua lúa tươi cho bà con nông dân. HTX Hương Sơn (Kỳ Sơn) xây dựng liên kết chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm gừng củ cho thành viên HTX và hộ nông dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương… Nhiều HTX đã tăng về quy mô, lĩnh vực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài các dịch vụ nông nghiệp, cung cấp vật tư đầu vào, các HTX đã mở rộng, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề mới, hiệu quả cao như dịch vụ thức ăn chăn nuôi, môi trường, quản lý chợ, cung cấp nước sạch, tín dụng nội bộ... Kết quả đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của kinh tế HTX năm sau cao hơn năm trước, tỉ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh ngày càng tăng. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của kinh tế HTX chiếm tỉ trọng 6,1% GRDP của tỉnh, đến năm 2020 chiếm tỉ trọng ước khoảng 7,16% GRDP của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Đơn cử như chỉ tiêu thu hút lao động nông thôn vào khu vực HTX, chỉ tiêu về thu nhập, chỉ tiêu về xây dựng mô hình, chỉ tiêu đào tạo cán bộ HTX. Ở các vùng, miền và các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh, kinh tế HTX phát triển không đồng đều. Một số ngành kinh tế quan trọng, có tiềm năng như thủy sản, kinh tế trang trại, lâm nghiệp, dược liệu, ngành nghề nông thôn thì lại ít có HTX. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tư vấn sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Cùng với đó, quán triệt phương châm phát triển HTX theo yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, không gò ép chạy theo số lượng; gắn phát triển HTX với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương. Chú trọng phát triển loại hình HTX lâm nghiệp, HTX dược liệu tại các vùng điều kiện tự nhiên, xã hội phù hợp để HTX phát huy vai trò, tác dụng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
.