(Congannghean.vn)-Thời tiết nắng nóng những ngày qua tại Nghệ An đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sản xuất của bà con nhân dân. Việc triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt.
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng. Đáng nói, năm nay lượng mưa tiểu mãn không đáng kể; tổng lượng mưa 5 tháng đầu năm 2020 phổ biến là 270 - 500 mm, ít hơn cùng thời kỳ 50 - 150 mm.
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân |
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.061 hồ chứa, trong đó doanh nghiệp quản lý 96 hồ, địa phương quản lý 965 hồ. Tính đến giữa tháng 6, 96% các hồ chứa do doanh nghiệp quản lý có dung tích hữu ích thiếu hụt so với dung tích hữu ích thiết kế. Các hồ chứa nhỏ do xã, HTX quản lý thì lượng nước chỉ đạt 30 - 50% dung tích thiết kế. Mực nước tại các công trình đầu mối đều thấp hơn mực nước thiết kế. Nắng nóng, khô hạn thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và gây ra hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích các cây trồng bị hạn, thiếu nước là 3.800 ha; trong đó, cây lúa 3.800 ha, còn 61.286 ha lúa đang chủ động được nguồn nước tưới từ các hệ thống thủy lợi.
Để chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 1032 về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Quyết định số 20 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất bị hạn thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Các địa phương đã nạo vét các bể hút trạm bơm, kênh dẫn và những ách tắc cục bộ trên trục kênh chính (như kênh Hoàng Cần, Hưng Nghĩa, Lê Xuân Đào, Lam Trà, Bàu Nón, Khe Khuôn…); nạo vét kênh tưới, kênh dẫn từ lòng hồ đến cống để bơm mực nước chết trong lòng hồ; tận dụng mọi nguồn nước để lắp đặt các các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến tưới cho các vùng hạn. Tuy nhiên, nếu trong những ngày tới không có mưa thì tình hình hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng và nhiều nơi sẽ thiếu cả nước sinh hoạt, tập trung ở vùng Diễn - Yên - Quỳnh, Nam - Hưng - Nghi và vùng hồ chứa ở trung du, miền núi.
Vì thế, các địa phương phải khẩn trương, chủ động triển khai các giải pháp để khắc phục tình hình nắng nóng hiện nay. Trước mắt, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm kê nguồn nước từng công trình thủy lợi, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán. Chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, xóm/xã, huyện ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nếu vượt khả năng ngân sách của địa phương thì báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh Nghệ An. Các Công ty TNHH Thủy lợi chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình và nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào lấy nước, trạm bơm tưới theo phân cấp quản lý. Chủ động phối hợp với các địa phương trong triển khai phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý; quản lý phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.
.