Chủ Nhật, 21/06/2020, 08:04 [GMT+7]

'Gỡ' điểm nghẽn, sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm

(Congannghean.vn)-Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Nghệ An tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phát triển của tỉnh mới mang tính bền vững mà chưa nhanh. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần sử dụng nguồn lực tập trung vào những ngành, vùng trọng điểm và đẩy mạnh tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) đến năm 2025. 

Cần có sự quan tâm đúng mức đối với các dự án “rường cột”                                     thúc đẩy sự phát triển kinh tế
Cần có sự quan tâm đúng mức đối với các dự án “rường cột” thúc đẩy sự phát triển kinh tế
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân ước đạt 7,84%/năm, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (6,6%). Quy mô GRDP của tỉnh hiện đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,43 triệu đồng, gấp 1,58 lần so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2016 dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn 3%. 
 
5 năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm tỉ trọng ngành Nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh thu hút được 532 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 67.308 tỉ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp so với tiềm năng, lợi thế đang có. Công tác xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập; việc thu hồi quỹ đất những dự án triển khai chậm, không hiệu quả chưa được triển khai quyết liệt.
 
Công tác cải cách hành chính và năng lực chỉ đạo điều hành, phối hợp của một số cấp, ngành chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả. Trình độ năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Dự báo trong tổng số 31 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đã đề ra, có 23 chỉ tiêu đạt và vượt; 8 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch, trong đó có 5 chỉ tiêu về kinh tế (tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư xã hội, tỉ lệ đô thị hoá toàn tỉnh), 2 chỉ tiêu về xã hội (giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị, tốc độ tăng dân số tự nhiên hàng năm), 1 chỉ tiêu về môi trường (tỉ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải).
 
Tại cuộc họp chuyên đề UBND tỉnh tháng 6/2020, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ các yếu tố cản trở sự phát triển KT-XH của tỉnh và đề ra giải pháp tháo gỡ. Một trong những tồn tại lớn nhất được chỉ ra là việc sử dụng nguồn lực chưa có trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Về công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính được xác định là điểm nghẽn. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, sự phát triển của tỉnh mới chỉ mang tính bền vững song chưa nhanh. Làm rõ vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, nguyên nhân là do việc xác định, lựa chọn vùng trọng điểm, ngành trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển nhanh chưa thật sự chuẩn xác.
 
Bởi vậy, thời gian tới, việc sử dụng nguồn lực cần có sự tập trung, trọng tâm, trọng điểm vào những cực mà tỉnh muốn thu hút để phát triển. Dẫn chứng về cách thức, bước đi của một số địa phương lựa chọn ngành Công nghiệp để tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho rằng, những dự án động lực đóng vai trò quan trọng, ‘dẫn dắt’ sự phát triển của ngành. Với nhiều điều kiện thuận lợi như đã quy hoạch các khu công nghiệp cộng với ưu thế về nguồn lực lao động địa phương…, tỉnh cần tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, tạo điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần có sự quan tâm đúng mức đối với các dự án “rường cột” thúc đẩy sự phát triển kinh tế như VSIP, WHA… và chính sách phát triển tại Khu Kinh tế Đông Nam. 
 
Về điểm nghẽn cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay trong năm 2020, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để giải quyết các vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính nhằm thu hút nhiều hơn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực có năng lực đầu tư vào tỉnh... Qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 9,5 - 10%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng; thu ngân sách đến năm 2025 đạt 26.000 - 30.000 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 500.000 tỉ đồng...
.

Thùy Dương

.