Thứ Ba, 16/06/2020, 08:28 [GMT+7]

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(Congannghean.vn)-Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Nghệ An đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với nhiều cơ hội và thách thức, GDNN cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Giờ học thực hành nấu ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An
Giờ học thực hành nấu ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An
Nghệ An là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của cả nước về lĩnh vực GDNN, được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lựa chọn đầu tư các trường chất lượng cao, đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia. Những năm qua, quy mô đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và hội nhập quốc tế. Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đã giành được thành tích cao tại Kỳ thi tay nghề quốc gia, có học sinh đạt Huy chương bạc tại Kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới... Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động.
 
Để nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả của từng trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX). Trên cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo, các quy định của Nhà nước để tham mưu xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các tổ chức GDNN trên địa bàn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; chỉ đạo thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp và giữa các cơ sở GDNN trên địa bàn. Cùng với đó, tổng hợp nhu cầu đào tạo lại cho lực lượng lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định... Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm GDTX cấp huyện để tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý (sáp nhập, giải thể...).
 
Được biết, toàn tỉnh có 21 trung tâm GDTX, trong đó có 2 trung tâm cấp tỉnh và 19 trung tâm cấp huyện. Hiện, đã có 12 trung tâm sáp nhập với trung tâm dạy nghề cấp huyện và đổi tên thành trung tâm GDNN-GDTX. Hầu hết các trung tâm đều hoạt động theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề (chiếm 90%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đang bộc lộ những bất cập, khó khăn trong việc bố trí đủ giáo viên. Trong khi đó, mức học phí của học sinh văn hóa thấp (80.000 - 100.000 đồng/tháng), không đủ để trả lương cho giáo viên hợp đồng. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần điều chỉnh học phí cho các trung tâm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh phổ thông và tuyển sinh; giao chỉ tiêu tuyển sinh hệ công lập hợp lý, dành chỉ tiêu phù hợp cho GDTX- GDNN.
 
Về phía Sở Nội vụ, chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở GDNN, thu hút giáo viên để đảm bảo tỉ lệ giáo viên theo quy định nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo; tham mưu UBND tỉnh về việc hợp đồng giáo viên trong trường hợp cần thiết, đặc thù. Riêng đối với các cơ sở GDNN, yêu cầu đặt ra là tự đánh giá chất lượng GDNN của cơ sở theo quy định; chủ động lựa chọn ngành, nghề mũi nhọn phù hợp để thu hút học sinh; đổi mới công tác quản trị, xây dựng vị trí việc làm, điều chỉnh quy chế tổ chức, hoạt động và các quy định nội bộ. Đồng thời, hợp tác - liên kết - liên danh với các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo để đảm bảo sát với thực tế nhu cầu của thị trường lao động; chủ động liên kết giữa các cơ sở GDNN với nhau để phát huy tối đa lợi thế của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, đề cao tính năng động, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phục vụ sự phát triển của nhà trường.
.

Thùy Dương

.