Thứ Sáu, 12/06/2020, 09:57 [GMT+7]

Đấu tranh hiệu quả với các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

(Congannghean.vn)-Với sự tiện lợi, nhanh chóng, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng (NTD) lựa chọn, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như trong thời gian qua. Vì thế, nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong lĩnh vực này.
 
Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 3/2020, đơn vị đã yêu cầu các sàn TMĐT xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng. Bình quân mỗi năm, Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của NTD; trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại này chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, không thể phủ nhận sự tiện lợi, nhanh chóng của hoạt động TMĐT vì đã giúp NTD tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại mà vẫn đảm bảo được nhu cầu mua sắm của bản thân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online là NTD không được trực tiếp trải nghiệm, đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán, nên đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại cho NTD.
lực lượng Quản lí thị trường kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
lực lượng Quản lí thị trường kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Tại Nghệ An, thời gian qua, hoạt động TMĐT phát triển mạnh mẽ với nhiều kênh kinh doanh đa dạng, phong phú về chủng loại đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của NTD. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhưng không vì thế mà nhu cầu của NTD bị giảm sút. Theo đó, thay bằng việc trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh để mua sắm các mặt hàng thì NTD đã lựa chọn cách thức giao dịch qua các kênh TMĐT như mạng xã hội facebook. Xác định rõ những rủi ro mà NTD có thể gặp phải khi người dân mua sắm thông qua hình thức TMĐT, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đấu tranh hiệu quả với các vi phạm trong lĩnh vực này.
 
Thực hiện Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, Cục QLTT Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch số 746/KH-QLTT giao cho Đội QLTT số 11 (Cơ động) chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn của Cục, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh để triển khai thực hiện. Cục đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác tham mưu đến đấu tranh trực tiếp nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường mạng. Đặc biệt, đấu tranh quyết liệt với các đối tượng vi phạm với các phương thức, thủ đoạn phức tạp như livestream trên facebook, gọi điện để chốt đơn và gửi hàng qua đơn vị vận chuyển đến tay người mua; chia sẻ trên các group mua bán hội nhóm, group rao vặt; tổ chức các buổi xem chung, sử dụng mạng xã hội hình ảnh Instagram, thuê nick facebook được "tích xanh" của người nổi tiếng hoặc có tương tác tốt để bán hàng online...
 
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT tại cuộc họp giao ban trực tuyến về đẩy mạnh đấu tranh các vi phạm trong hoạt động thương mại trên môi trường mạng, từ ngày 25/4 - 2/6/2020, Cục QLTT Nghệ An đã phát hiện, xử lý 5 tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động TMĐT, kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội với tổng giá trị thu phạt gần 140 triệu đồng. Điển hình, ngày 29/4/2020, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Y.M. do bà Trần Thị Hoàng Yến làm chủ, kinh doanh mỹ phẩm qua fanpage facebook với gần 50.000 lượt theo dõi và thực hiện các hoạt động livestream để bán hàng. Qua kiểm tra thực tế, phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh 57 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu các loại. Đội đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 10 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa nói trên trị giá 24,35 triệu đồng. Ngày 6/5/2020, tiếp tục phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Đội QLTT số 11 tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm do ông Nguyễn Đình Vinh làm chủ, có kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội zalo tên tài khoản ĐìnhVinh. Qua kiểm tra, Đội phát hiện tại cửa hàng kinh doanh 13.000 cái bút bi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ số bút bi nói trên theo quy định của pháp luật. Gần đây nhất, ngày 25/5/2020, Đội QLTT số 11 đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm do bà Hồ Thị Mỹ Yến làm chủ, kinh doanh mỹ phẩm qua fanpage facebook và thực hiện các hoạt động tương tác trên facebook để bán hàng. Qua đó, phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh 53 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu các loại. Đội đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính phạt tiền 10 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa nói trên trị giá 24,96 triệu đồng.
 
Trong thời gian tới, Cục QLTT Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020. Bên cạnh đó, kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, việc lợi dụng TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế, xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, NTD; thúc đẩy TMĐT phát triển theo chiều hướng tích cực...
.

Ngọc Anh