Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:38 [GMT+7]

Nuôi dưỡng 'vắc-xin ý thức' trong phòng, chống dịch bệnh

(Congannghean.vn)-Trong 5 ngày qua, nước ta ghi nhận thêm 23 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có những bệnh nhân Việt Nam trở về từ vùng dịch dẫn đến các ca lây nhiễm thứ phát. Dư luận đặc biệt quan tâm về ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc khai báo y tế với các cơ quan chức năng. Bởi nếu thiếu trung thực, chủ quan, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề.
Người dân cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng                           trong phòng, chống dịch COVID-19
Người dân cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19
Ý thức rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, các cấp chính quyền và đại đa số người dân Việt Nam đều tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, bước đầu Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt, 16 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Nỗ lực của Việt Nam đã được các nước và Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Thế nhưng, mọi sự cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa nếu một vài cá nhân thiếu ý thức, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ cho gia đình, cộng đồng. Sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới, việc tiếp tục có người nhiễm COVID-19 khiến nhiều người dân lo lắng. Hiện nay, tổng số người nhiễm COVID-19 ở nước ta là 39 trường hợp. Thực tế cho thấy, sự thiếu ý thức của một số cá nhân đến từ hai phía, thiếu trung thực trong khai báo y tế và đăng tải, chia sẻ những thông tin sai lệch, gây hoang mang trong người dân.
 
Trong mấy ngày gần đây, người dân rất bức xúc đối với một số cá nhân đi từ vùng dịch về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực thời gian sinh sống và lịch trình đi lại. Vì COVID-19 có thể lây lan diện rộng theo cấp số nhân: Từ một người lây cho ba người, thành chín người, rồi thành 81 người và tăng lên nhanh chóng để trở thành một dịch bệnh khó kiểm soát. Rõ ràng những người đó biết mình có những biểu hiện của mầm bệnh, trở về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo với cơ quan chức năng. Chính sự thiếu trách nhiệm này đã khiến cho hàng trăm người tiếp xúc phải tham gia cách ly. Tất cả chỉ vì một người không khai báo trung thực và chấp hành nghiêm theo quy định của Bộ Y tế. Theo Điều 8, Luật Phòng, chống truyền nhiễm được ban hành năm 2007, hành vi che giấu hoặc không khai báo kịp thời theo quy định pháp luật có thể bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự. 
 
Không chỉ có trường hợp khai báo không trung thực mà thời gian qua, một số người dân vẫn chưa hiểu rõ và hiểu đúng về công tác phòng dịch. Từ đó có những suy nghĩ và hành động thiếu trách nhiệm, cố tình trốn tránh không vào khu cách ly, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người thân cũng như cộng đồng. Cá biệt, một số người còn livestream để khoe trên mạng xã hội về “thành tích” trốn cách ly của mình. Đến khi cơ quan chức năng đến vận động, tuyên truyền, họ mới chấp nhận và chấp hành. Bản thân họ không hề ý thức rằng, hành vi vô ý của mình chính là nguồn cơn lây nhiễm cho cộng đồng. Và xét cho cùng, đó là một tội ác, huỷ hoại nỗ lực của cả xã hội, gây thiệt hại lớn cho  ngân sách Nhà nước.
 
Theo Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Nếu có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240, Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng.
 
Ý thức phòng bệnh đã chưa “đạt chuẩn”, một số cá nhân còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch khi đăng tải nhiều thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng. Dù hàng ngày, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã công khai trang thông tin điện tử chính thức về tình hình, diễn biến của dịch COVID-19, kèm theo đó là hàng chục tin nhắn về những chỉ dẫn y tế giúp tự phòng, tránh dịch được đều đặn gửi tới các thuê bao điện thoại thì một số người vẫn sử dụng mạng xã hội đưa sai lệch về diễn biến dịch bệnh, cách phòng ngừa của các cơ quan chức năng. Việc đổ xô đi mua hàng tích trữ, tập trung đông người tại các siêu thị còn tạo cơ hội cho nguồn bệnh dễ lây lan hơn, đi ngược với khuyến cáo với các cơ quan chức năng. Việt Nam là nước có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, việc cung ứng thực phẩm đủ cho người dân là cam kết của các ngành chức năng, vì thế, chúng ta không phải quá lo lắng, hoang mang, gây xáo trộn, đẩy cuộc chiến chống dịch bệnh của Chính phủ thêm phần gánh nặng.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng dịch, từ ngày 10/3, để tăng cường kiểm soát dịch COVID-19, Bộ Y tế chính thức triển khai hình thức khai báo y tế toàn dân. Dự kiến thời gian tới sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân. Cơ quan chức năng sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định các trường hợp khai báo không trung thực. Việc triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
 
Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam; các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vietjet, Bamboo; các công ty phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất VIAGS, HGS, SAGS và các cảng vụ hàng không ở 3 miền Bắc, Trung, Nam về việc thực hiện thủ tục khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành Hàng không tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trên địa bàn cảng hàng không trong kiểm tra và thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ bản thân mình, nghĩa là đang góp phần bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh. Người dân cần chủ động tiếp nhận thông tin chính thống, nâng cao sức khoẻ, hạn chế tập trung đông người, thường xuyên “rửa tay, rửa tay và rửa tay”. Đó chính là vắc-xin hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. 
.

MAI HẬU