Thứ Ba, 31/03/2020, 10:19 [GMT+7]

Hà Tĩnh: Hàng chục ha rừng dự án mới trồng gần như chết trắng

(Congannghean.vn)-Hơn 13 ha rừng thuộc dự án trồng rừng ngập mặn nằm trên địa bàn xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) mới trồng được hơn 1 năm nhưng đến nay gần như đã chết sạch.

Dự án trồng rừng ngập mặn là một trong những công trình ưu tiên của Hà Tĩnh được triển khai nhằm phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn; bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ, do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Theo đó, tháng 11/2018, dự án triển khai trồng mới 13ha ở thôn Tiền Tiến, xã Thạch Môn, với tổng mức hơn 4.7 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu thực hiện là Công ty phát triển rừng ngập mặn và Công ty cổ phần xây dựng công trình JP38. Thế nhưng, sau khi trồng được một thời gian thì hơn 90% cây bần chua bị chết.

 

Dù có hàng rào nhân tạo chắn sóng nhưng hàng chục hecta rừng dự án (Cây Bần chua ) gần như chết trắng

Một người dân xã Thạch Môn cho biết: “Không biết kỹ thuật họ trồng như thế nào, nguyên nhân do đâu nhưng để cây chết như thế này là điều bất thường. Bởi thực tế  những cây tự nhiên xen dắm thì có sao đâu, vẫn mọc lên xanh tốt. Hơn nữa, từ ngày cây chết đến nay chỉ thấy các đoàn xuống xem rồi về, chưa thấy trồng lại”.

Quan sát của phóng viên tại hiện trường cho thấy khoảng 300- 400 cây chết hoàn toàn. Hệ thống cọc cắm gồm 3 cọc/cây, tạo thế chân kiềng nhưng sơ sài xiêu vẹo, đổ ngã, không thấy dây buộc để giữ cây. Thi thoảng, có những cây sống sót thì xiêu vẹo, đổ ngã nhưng cũng không được đơn vị thi công đóng cọc lại hay chăm sóc, buộc lại cây.

Hơn nữa, sau khi trồng phát hiện cây chết nhưng đơn 2 đơn vị thi công vẫn không tiến hành trồng dặm. Theo quyết định ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng của Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn đối với cây Bần chua thì  sau khi trồng từ 1-2 tháng tiến hành kiểm tra nếu: Nếu cây chết ít (≤10%) và rải rác (dưới 3 cây liền kề nhau) thì không trồng dặm. Nếu cây chết > 10% hoặc chết trên 3 cây liền nhau, cần trồng dặm. Việc trồng dặm được tiến hành trong 3 năm đầu (năm trồng rừng và 2 năm tiếp theo).

Rõ ràng, theo quyết định nếu phát hiện cây chết thì đơn vị thi công phải tiến hành trồng dặm và BQLDA phải có trách nhiêm yếu câu đơn vị trồng rừng dặm. Thế nhưng, cả hai bên đều bỏ qua việc này. Phải chăng, đây là cách “lách luật” để đơn vị thi công giữ nguyên hiện trạng, đến năm thứ 3 mới trồng lại để tiến hành nghiệm thu.

Hệ thống cọc chống thế chân kiềng nhưng sơ sài, xiêu vẹo, đổ ngã
Hệ thống cọc chống thế chân kiềng nhưng sơ sài, xiêu vẹo, đổ ngã

Được biết, ngoài 13 hecta tại thôn Tiền Tiến thì dự án còn trồng 5 hecta tại thôn Liên Hạ (xã Thạch Hạ) và 7 hecta tại Thạch Môn. Thế nhưng, chỉ có dự án 13 hecta là chết nhiều; 2 dự án còn lại vẫn đảm bảo yêu cầu về tỉ lệ cây.

Liên quan đến hiện tượng cây chết, ông Nguyễn Văn Quang – Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng công trình JP38 cho hay: “Tuy là liên doanh trúng thầu nhưng bên tôi chỉ làm nhân công còn giống thì do bên công ty rừng ngập mặn cung cấp. Việc cây chết đó thì các sở ban ngành đã xuống kiểm tra nhiều lần”.

“Sở dĩ, dự án của chúng tôi cây chết nhiều là do sinh vật lạ đi theo nguồn nước. Tuy nhiên, quá trình trồng và chăm sóc trong 4 năm, bây giờ mới hơn 1 năm nên đơn vị sẽ tiến hành trồng lại, chúng tôi đang chờ xem có hỗ trợ gì liên quan đến thiên tai, dịch họa không?” – ông Quang nói thêm.

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong phòng chống bão lũ, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp Hà Tĩnh cùng các bên liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra và có phương án chăm sóc, bảo vệ kịp thời không để nhiều diện tích rừng ngập mặn mới trồng bị chết, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ sau này. 

.

Thu Hường