“Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng hóa Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu, tiêu dùng đã diễn ra nhiều nơi. Mặc khác, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, Hoa Kỳ đang có nguy cơ gian lận xuất xứ, trốn thuế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này và có giải pháp ra sao để phòng ngừa, ngăn chặn?”, ĐBQH Phạm Văn Hoà chất vấn.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chiều 6-11, ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. “Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào”, bà đặt vấn đề.
ĐBQH Phương Thị Thanh |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là thực trạng mà Bộ Công thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan. Ông lấy ví dụ trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện.
“Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua”, ông nhấn mạnh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng phản ánh tình hình sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp khó lường mặc dù có quyết liệt phòng chống ngăn chặn, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.
“Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng hóa Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu, tiêu dùng đã diễn ra nhiều nơi. Mặc khác, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, Hoa Kỳ đang có nguy cơ gian lận xuất xứ, trốn thuế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này và có giải pháp ra sao để phòng ngừa, ngăn chặn?”, ông chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã rất chủ động xây dựng đề án lớn về phòng chống tội phạm, chống gian lận xuất xứ và chống chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có những nội dung rất cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ đối với các bộ ngành. Bộ Công thương đã chủ động có các cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát hoạt động đầu tư và tránh chuyển tải bất hợp pháp.
ĐBQH Phạm Văn Hoà |
“Chúng tôi cũng có danh sách cảnh báo sớm về các nguy cơ gian lận thương mại với các mặt hàng, chẳng hạn có những mặt hàng của chúng ta xuất sang Mỹ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng rất cao như: điện tử, gỗ dán, dệt may, da giày... Mới đây nhất, chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng thông tư tạm dừng việc nhập khẩu và chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ vì đây là mặt hàng có tăng trưởng lên tới 400% trong thời gian vừa qua” – Bộ trưởng Bộ Công thương lý giải.
Mặt khác, Bộ cũng tiếp tục phối hợp các hiệp hội, ngành hàng tổ khuyến nghị, cung cấp thông tin cảnh báo nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế. Bởi vì có nhiều sản phẩm của nước khác nhưng áp thuế của Hoa Kỳ, EU và các nước cả về thuế, chống bán phá giá... “Chính vì vậy họ tìm cách lợi dụng những sản phẩm xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi các nước này. Việc cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các hiệp hội, ngành hàng là cần thiết, đang được triển khai trong thời gian qua”, người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh.
.