Thứ Năm, 03/10/2019, 10:40 [GMT+7]

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa

(Congannghean.vn)-Sau gần 4 năm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, với sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ đề ra, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị của Nghệ An được trưng bày tại Hội nghị gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển
Nhiều sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị của Nghệ An được trưng bày tại Hội nghị gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển

Theo đó, 4 chỉ tiêu tổng hợp của ngành dự kiến đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 4,78%, 6 tháng năm 2019 đạt 4,03%, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 4,6 - 4,7%, đạt mục tiêu Nghị quyết. Tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến tháng 6/2019 đạt 83%, dự kiến cuối năm 2020 đạt mục tiêu Nghị quyết 85%. Các chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn tỉnh có 226/431 xã, đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 52,44%, cao hơn bình quân cả nước; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM…; đến cuối năm 2020 dự báo sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết XVIII và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trước 1 năm. Về tỉ lệ che phủ rừng, đến cuối năm 2018 đạt 58%, dự báo đến cuối 2020 sẽ đạt 59%, vượt mục tiêu Nghị quyết.

Cũng trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai thực hiện 4 đề án gồm: Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Kế hoạch phát triển các cây, con chủ lực; Đề án xây dựng NTM gắn với phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề. Trên thực tế, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp đề ra trong Nghị quyết XVIII thuộc lĩnh vực NN&PTNT nói chung và 4 đề án nói riêng đã được ngành NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn thực hiện đề án.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt; nguyên nhân là do thời tiết diễn biến bất lợi, ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế. Ngoài ra, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất tại một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều chương trình, dự án lớn có tính đột phá. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những kết quả quan trọng mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong bối cảnh có nhiều bất lợi như trên. Đơn cử như trong thực hiện kế hoạch phát triển các cây, con chủ lực.

Trong đó, liên quan đến chỉ tiêu sản lượng sữa tươi đã cho thấy sự bứt phá lớn trong ngành chăn nuôi bò sữa. Từ xuất phát điểm thấp, đến nay, Nghệ An trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng bò sữa, sản lượng sữa tươi. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tính đến nay, trong số 21 chỉ tiêu cây, con chủ yếu theo đề án, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 13 chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ đạt và vượt (chiếm 62%), còn 8 chỉ tiêu có khả năng khó đạt gồm: Sản lượng lạc, sản lượng chanh leo, sản lượng chè búp tươi, sản lượng cao su mủ khô, đàn bò bê sữa, sản lượng sữa tươi, tổng đàn hươu và cây dược liệu.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án nói trên, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Đối với Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu, trong điều kiện nguồn lực có hạn, ngành NN&PTNT cần rà soát, đánh giá lại, từ đó đưa ra thứ tự ưu tiên công trình đầu tư. Quá trình triển khai, cần tranh thủ tối đa nguồn lực Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, đối tác nước ngoài cũng như quan tâm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả nguồn vốn. Đối với đề án về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cần tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, các tiêu chuẩn những sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh… Về kế hoạch phát triển các cây con chủ lực, thực hiện việc bố trí nguồn lực để tập trung vào một số loại cây thế mạnh như dược liệu và rừng sản xuất. Đối với vấn đề phát triển làng nghề, làng có nghề gắn với xây dựng NTM, quan điểm xây dựng NTM là: không nợ đọng, không huy động quá sức dân, không bệnh thành tích; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề.

.

Thùy Dương

.