Thứ Năm, 06/06/2019, 07:59 [GMT+7]

Lan tỏa cuộc vận động 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt'

(Congannghean.vn)-Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, hàng Việt chiếm tỉ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại tại Nghệ An. Đây là kết quả quan trọng đánh dấu thành công của CVĐ sau chặng đường 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tỉnh Nghệ An
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tỉnh Nghệ An

Qua 10 năm triển khai, CVĐ không chỉ ghi nhận chuyển biến tích cực từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước mà ý thức về tiêu dùng sản phẩm Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao rõ rệt. Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức trên 20 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và 50 phiên chợ hàng Việt Nam. Mỗi phiên chợ thu hút số lượng khách trung bình từ 5.000 - 6.000 người, doanh thu bình quân đạt 700 - 800 triệu đồng/phiên chợ. Các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cũng được xây dựng tại nhiều địa phương như TP Vinh, các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn...

Cùng với chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, Ban chỉ đạo CVĐ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và dùng hàng Việt thông qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”…

Trong đó, Sở Công thương đã thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Đặc biệt, đã triển khai 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần hình thành hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện CVĐ, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam đến được tay người tiêu dùng.

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, CVĐ đã góp phần quan trọng giúp kinh tế tỉnh nhà duy trì sự ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; qua đó thúc đẩy sản xuất - dịch vụ phát triển; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm tiêu dùng chất lượng gắn với thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

CVĐ còn góp phần thay đổi hành vi, thái độ, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Qua điều tra cho thấy, hiện có trên 97% người tiêu dùng đã quan tâm và hưởng ứng CVĐ; số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị, chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CVĐ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại; giá cả, chất lượng một số hàng hóa trong nước chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa chú trọng đầu tư nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như giữa lĩnh vực sản xuất và phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất.

Để CVĐ tiếp tục phát huy hiệu quả sâu rộng, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện CVĐ, Ban chỉ đạo CVĐ sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc; góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nội địa. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm việc buôn bán, lưu giữ hàng giả, hàng kém chất lượng… Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; triển khai thực hiện CVĐ với phong trào thi đua “Doanh nghiệp Nghệ An hội nhập và phát triển”, góp phần thúc đẩy và xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng…

.

Thùy Dương

.