(Congannghean.vn)-Mặc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng xã Hương Lâm, huyện Hương Khê vẫn được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho làm chủ đầu tư dự án xây dựng hơn 20 tỉ đồng. Việc làm trái quy định này kéo theo một loạt sai phạm khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguyên tắc quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước cũng như chất lượng công trình.
Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho xã Hương Lâm làm chủ đầu tư dự án hơn 20 tỉ đồng |
Dự án xây dựng cầu Rào Ngầm, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương và giao cho UBND xã Hương Lâm làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 20 tỉ đồng. Đây là Dự án có nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và ngân sách tỉnh Hà Tĩnh. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2018, do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nguyên Hà, có địa chỉ tại TP Hà Tĩnh trực tiếp thi công, đơn vị được thuê quản lý là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê.
Tuy nhiên, qua tham khảo một số ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý xây dựng cũng như tìm hiểu của chúng tôi, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho cấp xã làm chủ đầu tư một dự án với tổng mức trên 20 tỉ đồng là không phù hợp. Đặc biệt, do không đủ năng lực nên quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều sai phạm gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguyên tắc quản lý nguồn vốn ngân sách cũng như chất lượng công trình.
Cụ thể, tại Điều 7, Luật Xây dựng năm 2014 ghi: Chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án. Tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định 59 của Chính phủ quy định: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 tỉ đồng. Dự án có sự tham gia của cộng đồng, với tổng mức đầu tư dưới 2 tỉ đồng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
Còn tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 21, Nghi định 59/2015/NĐ-CP: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực theo quy định tại nghị định này để thực hiện.
Căn cứ các nghị định trên thì cấp xã chỉ được phép làm chủ đầu tư các công trình xây dựng có tổng mức dưới 15 tỉ đồng. Còn đối với các dự án trên 15 tỉ đồng do UBND xã làm chủ đầu tư, theo văn bản trả lời của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng ủy thác cho Ban quản lý chuyên ngành hoặc Ban quản lý khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.
Chính do không đủ năng lực nhưng lại được giao “ôm” dự án lớn nên trong quá trình triển khai thực hiện, UBND xã Hương Lâm liên tiếp có nhiều quyết định trái luật. Đơn cử như việc hợp đồng thuê ban quản lý dự án. Đầu tiên, đối với dự án thuộc trường hợp này, chủ đầu tư phải ký hợp đồng ủy thác cho Ban quản lý chuyên ngành hoặc Ban quản lý khu vực thực hiện. Tuy nhiên, UBND xã Hương Lâm lại ký hợp đồng thuê Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê. Trong khi đó, theo Thông tư 16/2016/TT-BXD về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng thì ban quản lý này chưa có quyết định để trở thành ban quản lý khu vực.
Còn rất nhiều vấn đề khác như các bước lập dự toán, tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu… đều phải đi thuê. Câu hỏi đặt ra, khi chủ đầu tư được xem là không đủ điều kiện thực hiện dự án, vậy công tác thanh quyết toán công trình sẽ như thế nào? Đặc biệt, về chất lượng ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến đơn vị quyết định đầu tư chính là UBND tỉnh Hà Tĩnh.