(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp trên thị trường là vô cùng quan trọng. Điều đó đặt ra yêu cầu cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), đặc biệt là đối với các sản phẩm đặc trưng, mang tính tiềm năng của địa phương.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh cần sớm được bảo hộ nhãn hiệu (Trong ảnh: Mô hình nuôi ong mật hiệu quả cao tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn) |
Tính đến ngày 22/5, toàn tỉnh có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hóa, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. Trên thực tế, tỉ lệ đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN của tỉnh ta so với cả nước còn rất thấp, chỉ bằng 0,46%.
Cũng theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHCN còn khá khiêm tốn. Việc xây dựng chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn khá xa lạ với phần lớn DN, dẫn đến việc nhiều sản phẩm của DN Nghệ An dễ dàng bị “đánh bật” ngay trên thị trường trong nước chứ chưa nói đến việc cạnh tranh để phục vụ xuất khẩu. Theo ông Phạm Hồng Hải, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở KH&CN tỉnh: Phần lớn DN vẫn chưa chủ động khai thác giá trị qua hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Điều này xuất phát từ thực tế nhận thức về quyền SHCN còn hạn chế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số DN và chủ thể pháp nhân thành công trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất tôn và sắt thép ở xã Nghi Liên, TP Vinh. Công ty sản xuất trên 200 mặt hàng, trong đó nhiều sản phẩm nổi bật đã được đăng ký bảo hộ quyền SHCN như ke chống bão, chụp nhựa chống gỉ... Không chỉ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, việc làm trên còn giúp Công ty kiểm soát được tình trạng hàng nhái, hàng giả và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Qua điều tra nhu cầu của DN trên địa bàn về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền SHCN do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Nghệ An thực hiện mới đây, kết quả chỉ có 16,4% DN đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% DN cho biết đang tìm hiểu, 50,4% DN chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ, 11,7% DN trả lời chưa có nhu cầu, chưa quan tâm và chưa có ý định đăng ký…
Cũng liên quan đến vấn đề bảo hộ thương hiệu trên lĩnh vực nông nghiệp đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như về sản phẩm mật ong, nhiều hợp tác xã (HTX) như HTX Mật ong Tây Hiếu (TX Thái Hòa), HTX Nông nghiệp xã Mỹ Thành (huyện Yên Thành) đã phối hợp với các cấp hội, chính quyền địa phương và Sở KH&CN xây dựng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký bản quyền và cấp chứng nhận thương hiệu mật ong địa phương cũng như giới thiệu mẫu mã bao bì, lôgô, tên miền.
Việc xây dựng thương hiệu mật ong cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác sẽ từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP, qua đó tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường.
Cũng trong thời gian qua, chính sách khuyến công thông qua các hoạt động hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực phát triển, định vị thương hiệu sản phẩm đã đóng góp tích cực vào sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ của nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, tại huyện Diễn Châu, có gần 100 hộ sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Sau khi được đăng ký nhãn hiệu tập thể, ý thức bảo vệ thương hiệu của các hộ sản xuất cũng được nâng cao, với việc tạo ra sản phẩm có chất lượng tương xứng để đưa ra thị trường. Nhờ đó, doanh thu năm 2017 của các hộ cao hơn từ 15 - 20% so với những năm trước.
Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung, việc xây dựng và khai thác giá trị thương hiệu của các làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, nguồn lực phát triển hạn chế và kinh nghiệm quản lý còn nghèo nàn… Không chỉ riêng sản phẩm làng nghề, tiềm năng về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh rất lớn, song hiện số lượng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận lại khá khiêm tốn. Ngoài ra, một số sản phẩm SHCN tuy đã được bảo hộ nhưng công tác quản lý sử dụng, khai thác và phát triển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động đăng ký quyền SHCN là do hiệu quả tuyên truyền về quyền SHCN chưa thực sự sâu rộng, DN khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế nên việc đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu còn gặp khó khăn…
Những điểm nghẽn trong việc xây dựng và khai thác giá trị thương hiệu của các sản phẩm thời gian qua đặt ra yêu cầu tỉnh cần sớm xây dựng và phê duyệt chương trình tổng thể phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh; đồng thời điều tra khảo sát, đánh giá đầy đủ các tài sản trí tuệ đã khai thác trên địa bàn cũng như các tiềm năng bổ sung để xác lập và khai thác. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các DN, cơ sở sản xuất… trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm thương hiệu, sản xuất hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu đã dày công gây dựng.