(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh đã và đang triển khai dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án đô thị Vinh có sử dụng vốn vay nước ngoài thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án được ký Hiệp định tài trợ vào tháng 1/2012 với tổng mức đầu tư hơn 168,484 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 98 triệu USD, vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 70,484 triệu USD. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này, dự án đã cơ bản thực hiện xong các hợp phần với tổng số vốn ODA đã giải ngân là 72,9 triệu USD, đạt 86%, thời gian thực hiện dự án đạt 93%.
Đoàn giám sát kiểm tra một số tuyến, công trình thuộc Tiểu dự án đô thị Vinh |
Theo thống nhất giữa các bên và cam kết của tỉnh, sau khi gia hạn, dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2018. Tuy nhiên, hiện tại khối lượng một số hạng mục công trình còn lớn, đặc biệt là vướng mắc giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, số vốn đối ứng của địa phương để thực hiện dự án còn thiếu 50 tỉ đồng.
Qua tìm hiểu một số bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Việt Nam so với các quy định quốc tế, đơn cử như trong quy định về quy trình gia hạn Hiệp định, Trung ương cần điều chỉnh từ 6 tháng lên 12 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Bởi thực tế hiện nay, quy trình xem xét gia hạn phải qua nhiều khâu từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và nhà tài trợ, mất rất nhiều thời gian, dẫn đến chủ đầu tư dễ bị đánh giá sai khả năng hoàn thành công việc đúng hạn; đồng thời, cần nghiên cứu để phân cấp quản lý thẩm tra, thẩm định dự án đảm bảo phù hợp, rút ngắn thời gian thực hiện dự án; nghiên cứu điều chỉnh lại tỉ lệ điều tiết 3 cấp ngân sách một cách phù hợp theo hướng tăng tính chủ động, tự chủ của địa phương, nhất là các địa phương có định hướng phát triển chiến lược của Trung ương như TP Vinh…
Có thể thấy, dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án đô thị Vinh bước đầu mang lại hiệu quả trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phát triển hạ tầng đô thị, xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện thu hút đầu tư; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước ở các cấp nói chung và năng lực quản lý dự án của thành phố nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời gian; quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Cùng với đó, cần xây dựng quy chế bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng các công trình thuộc dự án gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các công trình và bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Vừa qua, thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, giai đoạn 2011 - 2016, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã có cuộc giám sát tại dự án. Tại đây, ông Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đã ghi nhận một số kiến nghị của thành phố liên quan đến chính sách, pháp luật quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài để báo cáo với Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.