(Congannghean.vn)-Đây là một trong những nội dung và yêu cầu được đưa ra tại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban hành tại Quyết định 47/2017 ngày 1/6/2017 của UBND tỉnh (thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND ngày 25/10/2013).
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳ Hợp giám sát tại một doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn |
Quy chế trên được ban hành nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các sở, ban, ngành trong quá trình tham gia phối hợp; tăng cường hỗ trợ chuyên môn, chuyên ngành và cung cấp, trao đổi thông tin nhằm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản hiệu quả, toàn diện, gắn liền với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị có liên quan; đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoạt động khoáng sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản và các vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản...
UBND tỉnh yêu cầu nguyên tắc phối hợp phải đảm bảo định hướng phát triển bền vững ngành khai khoáng; cung cấp thông tin, thực hiện báo cáo, cho ý kiến theo chuyên ngành, địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm theo chức năng quản lý của cơ quan phối hợp, nội dung thông tin phải đảm bảo chính xác, đầy đủ và kịp thời. Việc phối hợp phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo; không sử dụng thông tin, tài liệu, dữ liệu do cơ quan phối hợp cung cấp để vụ lợi hoặc phục vụ các mục đích bất hợp pháp khác.
Tùy theo tính chất, nội dung của công tác quản lý Nhà nước, cơ quan chủ trì có thể áp dụng một trong các phương thức phối hợp như: Lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức cuộc họp, tổ chức các đoàn khảo sát... Cơ quan phối hợp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, dữ liệu, ý kiến bằng văn bản theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và các vấn đề có liên quan khác; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu hoặc thời hạn giao tại văn bản thì phải thực hiện phối hợp và hoàn thành trước thời hạn yêu cầu; cử cán bộ tham gia phối hợp kịp thời khi có yêu cầu, kể cả ngoài giờ hành chính và chịu mọi trách nhiệm theo nhiệm vụ phối hợp. Nếu quá thời hạn được giao mà cơ quan không thực hiện nhiệm vụ phối hợp thì cơ quan chủ trì báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phối hợp.
Quy chế nhấn mạnh, đối với công tác bảo vệ khoáng sản khu vực chưa cấp phép khai thác, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra thông qua thông tin phản ánh được chuyển đến, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chủ động kịp thời tổ chức lực lượng xử lý vi phạm theo nhiệm vụ được phân công và theo quy định của pháp luật; trường hợp không kịp thời xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy định, không hiệu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung trong công tác phối hợp bao gồm: Xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản; lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, xử lý khai thác khoáng sản, vận chuyển và mua, bán khoáng sản trái phép; rà soát điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực phân tán nhỏ lẻ; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản; giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại các địa phương; trách nhiệm của các cơ quan quản lý sau cấp phép; đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai, tái tạo rừng sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực; thu, chi, quản lý tài chính liên quan đến hoạt động khoáng sản.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối trong việc phối hợp về quản lý hoạt động khoáng sản; chủ trì hoặc phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các sở: Xây dựng, Công thương, NN&PTNT, Giao thông- Vận tải, LĐTB&XH, Công an tỉnh... UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện quy chế phối hợp này.