Kinh tế xã hội
Khai tử hơn 470 dự án thủy điện
Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện nhỏ, 8 dự án thủy điện bậc thang và 231 vị trí tiềm năng.
Sau xả lũ chưa có quy trình, vấn đề nóng của thủy điện năm 2016 là xả lũ “đúng quy trình”. |
Loại khỏi quy hoạch hơn 470 thủy điện
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương ngày 13-11, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với UBND các tỉnh có Dự án thủy điện (DATĐ) để rà soát, đánh giá quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các DATĐ theo tiêu chí đặt ra.
Bộ Công thương và UBND các tỉnh đã chủ động đề xuất và thống nhất để loại khỏi quy hoạch các DATĐ nhỏ chưa có Nhà đầu tư quan tâm, quy mô nhỏ, đấu nối khó khăn, diện tích chiếm đất lớn...
Mặt khác, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện (gồm các thủy điện trong bậc thang và thủy điện nhỏ), việc đánh giá kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường và xã hội đối với các DATĐ để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý đối với các dự án này.
Trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2013, đã loại khỏi quy hoạch 8 DATĐ bậc thang (công suất 655 MW, bao gồm: thủy điện Pa Ma - 80 MW, Huổi Tạo - 180 MW, Sông Giằng - 60 MW, Đức Xuyên - 58MW, Đồng Nai 6 - 135 MW, Đồng Nai 6A - 106 MW, Tà Lài - 20 MW, Ngọc Định - 16 MW) và 463 DATĐ nhỏ (1.404,68 MW), không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng (349,61MW).
Hiện nay, trên cả nước có 306 DATĐ với tổng công suất lắp máy 15.474,3 MW đang vận hành phát điện; 193 DA (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng; 245 DA (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 DA (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát.
Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn: Đã vận hành phát điện 61 DA (13.101 MW); đang thi công xây dựng 31 DA (3.580 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 DA (730 MW); có 3 DA (128 MW) chưa cho phép nghiên cứu đầu tư.
Siết chặt hơn với thủy điện ở khu vực Tây Nguyên
Sau khi Thủ tướng chính thức có quyết định yêu cầu Bộ Công thương tạm ngừng cấp phép các dự án thủy điện tác động và ảnh hưởng đến rừng ở khu vực Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận (các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước) vào tháng 8 vừa qua, đề nghị UBND các tỉnh nêu trên khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và chủ đầu tư các DATĐ thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được Thủ tướng kết luận.
Theo đó, các DATĐ thuộc quy hoạch đã được phê duyệt, bao gồm các dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa nghiên cứu đầu tư, tiếp tục được rà soát, điều chỉnh quy mô, sơ đồ khai thác để đánh giá cụ thể ảnh hưởng của dự án đến đất rừng.
Nếu có ảnh hưởng, yêu cầu không xem xét tiếp tục nghiên cứu, đầu tư. Đối với các dự án đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, nếu có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ Công thương sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch.
Đối với các dự án đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, đề nghị UBND tỉnh tổng hợp danh sách báo cáo Bộ Công thương để yêu cầu dừng triển khai hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các dự án, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc xây dựng thủy điện để chặt phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép qua các tuyến đường thi công của các dự án.
Nguồn: Báo CAND