Kinh tế xã hội
Bảo hiểm nông nghiệp: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
(Congannghean.vn)-Thiên tai, dịch bệnh… lâu nay luôn trở thành mối lo ngại rất lớn đối với ngành sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp là người nông dân. Để cùng chung tay “tiếp sức”, giảm bớt rủi ro, chia sẻ gánh nặng tài chính cho nông dân, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ra đời đã phần nào giúp họ yên tâm sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai mô hình thí điểm ở các địa phương, loại hình BHNN đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.
Loại hình bảo hiểm nông nghiệp góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính với người nông dân |
Theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, Nghệ An cũng là địa phương được chỉ đạo triển khai loại hình này. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành 2 quyết định, 2 thông tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 2 thông tư; UBND các tỉnh ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình… tạo hành lang cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đối tượng bảo hiểm bao gồm: Cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thủy sản (cá tra, cá basa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Mặt khác, Quyết định 315 cũng nêu rõ đối với người tham gia bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ chi phí bảo hiểm với mức 100% đối với hộ nghèo, 60% đối với hộ cận nghèo và 12% đối với các tổ chức. Và, doanh nghiệp có đủ tư cách pháp lý cũng như năng lực tài chính tham gia chương trình gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.
Riêng Nghệ An, sau khi Quyết định 315 của Thủ tướng ban hành, UBND tỉnh đã chọn 6 huyện gồm: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (triển khai thí điểm BHNN ở cây lúa nước) và Thanh Chương, Đô Lương, Tương Dương (triển khai thí điểm BHNN ở đàn gia súc). Sau 5 năm triển khai loại hình BHNN, Nghệ An đã có gần 200 nghìn hộ nông dân tham gia với tổng số tiền bảo hiểm trên 2 nghìn tỉ đồng. Chỉ tính riêng sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN (2011 - 2014), hàng nghìn nông dân đã được giải quyết chế độ bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 16 tỉ đồng.
Nhìn chung, đây là chính sách kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích, giảm thiểu rủi ro tài chính trong quá trình sản xuất, chăn nuôi của người nông dân. Bên cạnh đó, BHNN thực sự trở thành phao “cứu sinh” và là chỗ dựa cho hàng triệu hộ nông dân.
Ở Nghệ An, sau khi được lựa chọn triển khai thí điểm loại hình BHNN, cùng với việc ban hành các tiêu chí, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan nhanh chóng vào cuộc rà soát, thẩm định.
Riêng đối với 6 huyện được lựa chọn thí điểm, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương này sớm triển khai áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn, ký kết với bà con nông dân. Đặc biệt, đối với các xã thuộc vùng rốn lũ, thường xảy ra dịch bệnh thì việc triển khai BHNN phải cụ thể, đúng đối tượng để kịp thời hỗ trợ.
Tại huyện Quỳnh Lưu, 1 trong 3 địa phương được lựa chọn mô hình thí điểm trên cây lúa ngay từ năm 2012. Toàn huyện có 27 xã trồng lúa nước đều tham gia chương trình BHNN. Đây là chủ trương phù hợp với đời sống người dân nên đã nhận được sự đồng tình cao sau khi triển khai. Cá biệt, nhiều xã vùng trũng thấp, gặp khó khăn trong sản xuất lúa như Quỳnh Giang, Quỳnh Thanh…, mỗi năm nhận được trên dưới 1 tỉ đồng từ kinh phí BHNN.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả bên mua và bên bán. Nhiều nội dung ký kết trong việc tham gia BHNN còn chưa sát với thực tế, mang tính áp đặt chung chung. Đơn cử như việc lấy năng suất sản xuất chung của toàn xã để làm căn cứ hỗ trợ theo BHNN là chưa cụ thể và phù hợp với từng vùng, miền trên địa bàn.
Ngoài ra, bảo hiểm cũng lấy căn cứ nếu lúa mới gieo cấy bị ngập lụt toàn xã trên 20% mới làm hồ sơ hỗ trợ là phi thực tế. Chưa kể, đối với loại hình BHNN trên vật nuôi phải căn cứ theo tuổi, giá bảo hiểm thấp (9 triệu đồng/con trâu) khiến người dân vẫn chưa mặn mà.
Theo đánh giá của Công ty Bảo Việt Nghệ An (đơn vị tham gia chương trình), sau khi triển khai mô hình thí điểm BHNN, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng tham gia khá lớn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số thuộc về thành phần hộ nghèo (được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm) và cận nghèo (hỗ trợ 60%), còn lại rất ít hộ ở mức sống bình thường tham gia. Mặt khác, với tâm lý chưa muốn bỏ một khoản tiền ra để mua phí, trong khi đó giá thành phục vụ sản xuất nông nghiệp cao nên người dân chưa tham gia nhiều. Hơn nữa, việc đưa ra nhiều tiêu chí ràng buộc, phiền phức khiến BHNN gặp khó khi triển khai.
Được biết, sau 3 năm triển khai các mô hình thí điểm, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Chính phủ xem xét việc nên tiếp tục hay không, nếu có triển khai thì thực hiện theo phương án nào. Tuy nhiên, người dân chỉ biết đến nay vẫn chưa thể áp dụng đại trà loại hình bảo hiểm này.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì để triển khai đầy đủ loại hình bảo hiểm này, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hơn nữa. Để một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại thì chính sách bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ trục lợi bảo hiểm và nhiều hệ luỵ khác thì những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng cần được tháo gỡ kịp thời.
Ngọc Thái