Kinh tế xã hội

Hạ tầng giao thông: Chìa khóa để phát triển mạnh mẽ

09:03, 10/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chia sẻ về những kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Nghệ An, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Phải ghi nhận một điều, kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển khá đồng bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc kết nối các vùng miền, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là nền tảng quan trọng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo nền tảng cho việc phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trong thời gian tới. Và trên thực tế, hạ tầng giao thông đồng bộ đã tạo thành hệ thống liên kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực Bắc Trung Bộ.

Trong thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông quan trọng đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (Ảnh chụp tại cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46)
Trong thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông quan trọng đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (Ảnh chụp tại cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46)

Ngày 5/10/2014, cầu Dùng và đường vào Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ - Thanh Chương chính thức đưa vào sử dụng trong niềm hồ hởi, phấn khởi của người dân huyện Thanh Chương nói riêng và bà con miền Tây nói chung. Việc đưa vào khai thác và sử dụng sẽ tăng cường mạng lưới giao thông, góp phần nối trung tâm huyện với đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu Thanh Thủy, sang nước bạn Lào một cách thuận lợi và ngắn nhất; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra diện mạo mới cho trung tâm huyện Thanh Chương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Không những thế, việc hoàn thành cầu Dùng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu qua sông Lam là một kỳ tích đối với huyện Thanh Chương, thỏa lòng mong ước và khát vọng bao đời của người dân đôi bờ, nhất là vùng tả ngạn sông Lam. Cầu Dùng chỉ là một trong hàng loạt dự án được đưa vào sử dụng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Đầu tháng 9/2016, Nghệ An đón rất nhiều đại biểu Trung ương về dự lễ khánh thành nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn. Cầu Yên Xuân dài 3,6 km bắc qua sông Lam được hoàn thành đã giúp nhân dân các xã “5 Nam” của 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và các xã của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đi lại thuận lợi, xóa bỏ sự cô lập trong mùa mưa lũ; đồng thời, giải quyết vấn đề mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông khu vực cầu đường sắt Yên Xuân, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến tránh TP Vinh, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 8, thúc đẩy việc thông thương để người dân vùng Nam Nghệ - Bắc Hà phát triển kinh tế.

Cùng thời điểm, tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 48 thông xe, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới đối với các địa phương dọc hai bên tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội cho nhân dân vùng Tây Bắc Nghệ An và kết nối với vùng kinh tế Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa…

Ngoài những công trình trọng điểm trên, các tuyến giao thông trong quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã được gấp rút triển khai thực hiện. Mặt khác, giao thông nông thôn, đặc biệt là miền núi được tăng cường đầu tư, phong trào xây dựng giao thông nông thôn thu được nhiều kết quả tốt.

Nhiều tuyến đường được đầu tư như: 25 tuyến đường vào các xã chưa có đường ôtô đến trung tâm; nâng cấp nhà ga và hạ tầng Sân bay Vinh, mở thêm tuyến bay Vinh - Đà Lạt và tuyến bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn (Lào), Vinh - Băng Cốc. Xúc tiến quy hoạch, nâng cấp Cảng Cửa Lò, đảm bảo tàu 3 vạn tấn ra vào thuận lợi, đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi…

Theo đó, nhiều công trình giao thông đường bộ quan trọng được xây dựng với tiến độ nhanh chóng: Tuyến giao thông Tây Nghệ An, Đường nối N5 - Hòa Sơn (Đô Lương) phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho Nhà máy xi măng Sông Lam, cầu vượt Sông Lam…

Song song với việc đẩy nhanh xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị cũng được cải thiện rõ nét, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Công tác chỉnh trang, phát triển, vệ sinh môi trường được quan tâm, góp phần xây dựng hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại: TP Vinh đang từng bước khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ; TX Cửa Lò được đẩy mạnh xây dựng, phát triển thành đô thị du lịch biển; xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho TX Thái Hòa và TX Hoàng Mai…

Trên cơ sở đó, các vùng kinh tế trọng điểm đã phát triển mạnh mẽ: Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; TP Vinh - TX Cửa Lò; các huyện Đông Nam gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; miền Tây Nghệ An trọng tâm là Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Đô Lương…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn khác đầu tư hoàn thành các dự án: 2 cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B với đường tránh TP Vinh, cầu Đò Cung; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Quán Bánh đến cầu Bến Thủy; hoàn thành Đại lộ Vinh - Cửa Lò (11 km), đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc kết nối TP Vinh với TX du lịch Cửa Lò, tạo cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Cùng với đó, hoàn thành các tuyến đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương), kết nối vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Nghệ An với Khu kinh tế Đông Nam, cảng nước sâu Cửa Lò, nâng cao năng lực vận tải, giao thông, thương mại, thuận lợi trong thu hút đầu tư... phục vụ vận chuyển xi măng cho Nhà máy Xi măng Sông Lam và Nhà máy Xi măng Sông Lam 2. Bên cạnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư như BT, TPP, ODA… để thúc đẩy nhanh việc kết nối hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mai Hậu

Các tin khác